08/09/2022 10:28
● Đồng chí Huỳnh Quang Hưng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc (Kiên Giang):
TẬP TRUNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO
Sau đại dịch COVID-19, du lịch Phú Quốc phục hồi và phát triển nhưng còn một số khó khăn. Nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu du lịch và dịch vụ còn thiếu và yếu do sau đại dịch COVID-19 có sự dịch chuyển lao động, một số bỏ nghề, về quê, có việc làm khác… Cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú, ăn uống còn thiếu nhiều lao động.
TP. Phú Quốc chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, các trường cao đẳng, trung cấp nghề tập trung cho công tác đào tạo.
Chúng tôi quan tâm đến học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông sau đó đi học nghề, tạo việc làm cho các em tại địa phương. Đồng thời, thành phố thu hút nguồn lao động từ các tỉnh, thành phố ở miền Tây và ở cả nước đến làm việc tại Phú Quốc, nhất là lao động có trình độ chuyên môn, đặc biệt là loại hình du lịch, dịch vụ cao cấp như các khu resort 5 sao và các khu vui chơi, giải trí lớn như Vinpearl, Sun Group…
● Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Kiên Giang:
HUY ĐỘNG LAO ĐỘNG ĐỊA PHƯƠNG THÍCH LÀM DU LỊCH
Chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn cần có cơ chế để phát huy trí tuệ toàn dân, nguồn nhân lực địa phương yêu thích làm du lịch Phú Quốc nhưng chưa có điều kiện học tập ở các ngành du lịch và bổ trợ du lịch. Những người này có đủ khả năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp nhưng còn thiếu chứng chỉ hành nghề, chứng nhận, điều kiện cần thiết để làm việc.
Tôi đề nghị chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn cần có lớp cấp chứng chỉ, chứng nhận đào tạo ngắn hạn và các chứng chỉ, chứng nhận này được công nhận tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người địa phương, am hiểu địa phương làm việc ở các ngành, nghề du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang còn thiếu những khóa đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo doanh nghiệp. Tôi mong có nhiều hơn các khóa đào tạo như trên, nhất là ở lĩnh vực như công nghệ và chuyển đổi số trong du lịch.
● Ông Trương Công Tâm - Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp TP. Phú Quốc (Kiên Giang):
QUẢN LÝ CHẶT ĐỘI NGŨ HƯỚNG DẪN VIÊN
Sau 2 năm đại dịch COVID-19, nhiều hướng dẫn viên chuyên nghiệp tự do phải bỏ nghề. Họ không được hưởng lương hàng tháng và chịu sự cạnh tranh không công bằng với đội ngũ hướng dẫn viên chui, không có thẻ hành nghề.
Tôi đề nghị thời gian tới Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, giúp đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp tự do ở Phú Quốc có điều kiện duy trì nghề, thu nhập ổn định.
Đồng thời, ngành du lịch quản lý chặt chẽ đối tượng hành nghề hướng dẫn viên ở TP. Phú Quốc, tạo môi trường du lịch bình đẳng, công bằng và chuyên nghiệp. Nhà nước có chủ trương đào tạo ngắn hạn, cấp chứng chỉ hành nghề cho người yêu thích nghề hướng dẫn viên tại địa phương nhưng không có điều kiện học chính quy. Họ là những người tại địa phương, am hiểu địa phương, hướng dẫn tour hay nhưng không được thông qua lớp đào tạo bài bản. Nếu giải quyết được bài toán này sẽ giải quyết được khoảng 30-40% thiếu hụt nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch ở Phú Quốc.
● Thầy Nguyễn Thanh Sang - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn, Trường Đại học Kiên Giang:
TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC GIỮA TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP
Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động cho du lịch Phú Quốc cần được quan tâm, trong đó chú ý đến sự hợp tác giữa trường và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Phú Quốc ở các khâu như đào tạo theo đơn đặt hàng, sinh viên đến doanh nghiệp thực tập và ký kết hợp đồng lao động với những sinh viên mới ra trường hoặc chưa ra trường.
Các cơ sở giáo dục - đào tạo trên địa bàn thay đổi cách giảng dạy theo hướng thực hành, thực nghiệm, thực tế trải nghiệm… tại doanh nghiệp. Từng giảng viên, giáo viên phải được bồi dưỡng thường xuyên, có năng lực giảng dạy thực hành, thực nghiệm theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh sự hỗ trợ, tạo điều kiện của trường, từng giảng viên chủ động nâng cao trình độ của mình trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh cũng như cho du lịch Phú Quốc.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: