05/09/2022 08:08
● Gỡ khó cho nguồn nhân lực du lịch Phú Quốc - Bài 1: Nỗi lo sau đại dịch |
GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP
Trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong những trường đào tạo lao động có tay nghề, phục vụ đắc lực cho ngành du lịch Phú Quốc. Từ năm 2017 đến nay, trường tổ chức đào tạo 5 khóa trình độ trung cấp, trong đó có 3 khóa đã tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các khóa đạt từ 90% trở lên, học sinh tốt nghiệp có việc làm 100% (có thời điểm 94%). 2 năm 2020, 2021, trường đào tạo các lớp nghề sơ cấp, nghề dưới 3 tháng cho 851 học viên.
Năm 2022, Trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc tuyển sinh với tổng chỉ tiêu được giao 950 học sinh, trong đó đào tạo nghề trung cấp 250, chỉ tiêu đào tạo nghề sơ cấp, nghề dưới 3 tháng 700 học viên. Nguồn lao động được đào tạo từ trường đã gỡ khó cho nhiều doanh nghiệp Phú Quốc giữa lúc “cơn khát” lao động có tay nghề đang ngày càng tăng.
Theo đồng chí Hồ Tấn Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc, hàng năm, căn cứ chỉ tiêu được giao, trường chủ động xây dựng kế hoạch chiêu sinh và đào tạo nghề sơ cấp, nghề dưới 3 tháng cho 2 đối tượng là lao động nông thôn và lao động đang làm việc tại doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, nhất là Phú Quốc.
2 năm 2020, 2021, trường đào tạo 34 lớp cho 13 doanh nghiệp tại Phú Quốc và đào tạo theo đặt hàng của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Phú Quốc, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang… Năm 2022, trường tổ chức đào tạo 17 lớp với tổng số 458 học viên. Trường chiêu sinh thêm 9 lớp với 270 học viên. Nếu được cấp đủ kinh phí, năm 2022, trường hoàn thành chỉ tiêu được giao.
“Trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc ký kết hợp tác với 50 doanh nghiệp, có mối quan hệ và kết nối thường xuyên với hơn 80 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Phú Quốc. Trường thường xuyên liên hệ, nắm nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, giới thiệu học sinh, học viên tốt nghiệp đến làm việc tại các doanh nghiệp. Đồng thời, trường trao đổi, ký kết bản ghi nhớ giữa trường và doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận thực tập sinh. Hàng năm, trường liên hệ doanh nghiệp và giới thiệu học sinh thực tập tốt nghiệp đối với hệ trung cấp chính quy, xây dựng kế hoạch kiến tập đưa học sinh đến doanh nghiệp đã ký kết bản ghi nhớ vào cuối học kỳ I, xây dựng kế hoạch tổ chức ngày hội tuyển dụng hàng năm cho doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp học sinh sau kỳ thi tốt nghiệp để làm công tác tuyển dụng”, đồng chí Hồ Tấn Hùng cho biết.
ĐÀO TẠO KHÔNG ĐỦ CUNG ỨNG
Thực tế, nguồn lao động cho du lịch Phú Quốc đang thiếu và cần nhất là lao động có tay nghề, qua đào tạo. Một trong những trường đang hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch Phú Quốc, Đại học Kiên Giang ký kết hợp tác với 3 doanh nghiệp lớn ở Phú Quốc là Vingroup, Sun Group và Vina Phú Quốc. Một số công ty du lịch đang chuẩn bị ký kết trong thời gian tới.
Từ năm 2017, trường đào tạo ngành ngôn ngữ Anh - chuyên ngành du lịch, trung bình mỗi năm có 50 sinh viên ra trường và làm việc trong lĩnh vực liên quan đến du lịch. Ngành quản trị kinh doanh - chuyên ngành quản trị nhà hàng - khách sạn đào tạo từ năm 2019; năm học 2022-2023 có sinh viên ra trường, mỗi năm có hơn 200 sinh viên tốt nghiệp.
Học sinh đến đăng ký học tại Trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc, ngày 8-8.
Thầy Nguyễn Thanh Sang - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn Trường Đại học Kiên Giang cho biết, trường ký kết với các doanh nghiệp, sinh viên ngành du lịch của khoa khi thực tập dễ được doanh nghiệp Phú Quốc ký hợp đồng lao động ngay khi chưa ra trường.
“Chúng tôi định hướng có thể đào tạo phần còn lại của khóa học tại doanh nghiệp cho những em được ký kết hợp đồng lao động. Việc đào tạo tại doanh nghiệp, nhất là ngành du lịch và hỗ trợ du lịch đào tạo giúp sinh viên đẩy mạnh thực hành, trải nghiệm… Giảng viên cũng được rèn luyện tay nghề thông qua hoạt động tại doanh nghiệp. Trường có thể hợp tác chuyên gia, mời chuyên gia từ doanh nghiệp thỉnh giảng. Có doanh nghiệp ở Phú Quốc có thể nhận cả ngàn sinh viên thực tập cùng lúc”, thầy Nguyễn Thanh Sang cho biết.
Đồng chí Nguyễn Thị Phong Lan - Trưởng Phòng Truyền thông Trường Cao đẳng Kiên Giang cho biết, trường có đào tạo 2 ngành du lịch là quản trị khách sạn và quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cùng một số ngành liên quan đến du lịch. “Hàng năm, trường có 1.000 sinh viên tốt nghiệp, ít nhất 70% trong số đó có việc làm ở các công ty, doanh nghiệp du lịch Phú Quốc. Một năm 2 lần, trường tổ chức ngày hội tuyển dụng và giới thiệu việc làm cho sinh viên có điều kiện tiếp cận doanh nghiệp và ngược lại. Tuy nhiên, hiện ngành du lịch Phú Quốc đang khát lao động nên sinh viên ra trường không cung cấp đủ”, đồng chí Nguyễn Thị Phong Lan nói.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Phong Lan, nhiều sinh viên khi đi thực tế tại các doanh nghiệp ở Phú Quốc được tuyển dụng và ký hợp đồng lao động. “Trường đang tuyển sinh ngành mới là quản trị nhà hàng. Thời gian tới, trường dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh để đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho du lịch Phú Quốc”, đồng chí Nguyễn Thị Phong Lan cho biết.
Phóng viên khảo sát sơ bộ hơn 10 doanh nghiệp lớn ở Phú Quốc như Sun Group, CEO Group, Sunset Sanato… hầu hết doanh nghiệp đang thiếu từ vài ngàn đến hơn 10.000 lao động có tay nghề từ nay đến năm 2025. Mặc dù vậy, mỗi năm, mỗi trường trung cấp, cao đẳng ở tỉnh chỉ đào tạo với chỉ tiêu từ vài trăm đến khoảng 1.000 lao động cho các ngành, nghề du lịch, vì vậy có thể thấy công tác đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cho du lịch Phú Quốc.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
►Gỡ khó cho nguồn nhân lực du lịch Phú Quốc - Bài 3: Bài toán nguồn lao động tại chỗ
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: