03/09/2022 09:44
Bài 1: Nỗi lo sau đại dịch
Từ tháng 6-2022 đến nay, mỗi ngày TP. Phú Quốc đón hàng chục ngàn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí. Tuy nhiên, ngành du lịch Phú Quốc hậu COVID-19 đang đối mặt với nỗi lo nhân sự, đặt ra vấn đề lớn cần giải quyết.
Nhiều doanh nghiệp du lịch ở TP. Phú Quốc cho biết, hiện doanh nghiệp thiếu vài trăm đến hơn 1.000 nhân sự cho các vị trí trong các khu, điểm du lịch từ nay đến cuối năm 2022, có doanh nghiệp thiếu vài ngàn nhân viên giai đoạn 2022-2025…
THIẾU NHÂN LỰC PHỤC VỤ DU LỊCH
Năm 2017, TP. Phú Quốc có hơn 500 cơ sở lưu trú với gần 12.500 phòng. Lượng khách đến Phú Quốc đạt trên 1,9 triệu lượt, trong đó có 361.452 lượt khách quốc tế. Đến năm 2020, lượng khách đến Phú Quốc đạt 3 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1 triệu lượt người.
Sau thời gian “đóng băng” bởi dịch COVID-19, với nỗ lực thực hiện giải pháp phục hồi, hoạt động du lịch trên địa bàn Phú Quốc sôi động trở lại. 7 tháng đầu năm 2022, lượng khách đến Phú Quốc đạt 3.098.526 lượt, trong đó khách quốc tế đạt hơn 77.000 lượt.
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân - nhân viên lễ tân Sunset Sanato Resort and Villas, TP. Phú Quốc cho biết, thời gian đại dịch COVID-19, doanh nghiệp làm việc cầm chừng. Công việc ít đồng nghĩa với việc nhân viên phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, giảm lương. Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn đó, chị Vân tâm sự: “Nhiều người phải bỏ việc chuyển sang làm nghề khác, riêng tôi cố gắng vượt qua khó khăn để trụ với nghề”.
Từ khi Phú Quốc mở cửa, lượng khách đến Sunset Sanato Resort and Villas tăng vọt và đây là lúc chị Vân tất bật với công việc. “Nhân sự thiếu, chúng tôi làm việc nhiều, bù lại, lương tăng khoảng 30%”, chị Vân cho biết.
Theo ông Lê Trung Thực - Giám đốc đối ngoại Sunset Sanato Resort and Villas, hiện doanh nghiệp cần từ 150-170 lao động có tay nghề. Sau đại dịch COVID-19, doanh nghiệp thiếu gần 50% nhân sự. Qua mấy tháng xoay xở, hiện doanh nghiệp còn thiếu 30-40 nhân sự để đảm đương các vị trí.
“Vị trí nào cũng thiếu, nhất là mấy tháng hè gần đây, phòng thường xuyên được đặt trước và nhiều thời điểm hết phòng. Gần 400 phòng tiêu chuẩn 4 sao, đang đề nghị nâng lên 5 sao, chúng tôi phải có những chính sách thu hút nguồn lao động vào làm việc. Nhiều vị trí phải làm kiêm nhiệm. Lương cho 1 nhân viên mới chưa qua đào tạo hơn 5 triệu đồng/tháng, dù vậy vẫn thiếu nhân viên”, ông Thực chia sẻ.
THIẾU, THỪA CỤC BỘ
Đồng chí Huỳnh Văn Trông - Thành ủy viên, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Phú Quốc cho biết, ước tính thành phố có trên 700 cơ sở lưu trú với trên 25.000 phòng nghỉ, 55 doanh nghiệp lữ hành. Nhân lực phục vụ ngành du lịch khoảng 15.714 người, 190 hướng dẫn viên có thẻ hành nghề. Thành phố chưa thống kê đủ số lượng lao động thiếu ở từng doanh nghiệp du lịch, tuy nhiên thực trạng thiếu nguồn lao động là có. Trước thực trạng thiếu nhân lực, tỉnh và thành phố luôn quan tâm và có nhiều giải pháp để phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển du lịch của thành phố.
Nhân viên Sunset Sanato Resort and Villas đang làm thủ tục nhận phòng cho khách đến nghỉ dưỡng.
Theo ông Trương Công Tâm - Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp TP. Phú Quốc, câu chuyện nguồn nhân lực cho du lịch thành phố nói chung, nguồn lực hướng dẫn viên nói riêng đang thừa, thiếu cục bộ diễn ra nhiều năm nay, nhưng năm 2022 là thiếu nhiều hơn cả.
Chứng minh cho điều mình nói, ông Tâm cho biết, 3 tháng 5, 6, 7 vừa qua, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề ở Phú Quốc thiếu trầm trọng. 115 hội viên Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp TP. Phú Quốc phải làm việc liên tục 3 tháng, không có ngày nghỉ, thậm chí nhận hướng dẫn các đoàn khách nối chuyến liên tục.
“Tính số lượng hội viên, hướng dẫn viên không phải là hội viên, hướng dẫn viên từ nơi khác đến… có khoảng 400 hướng dẫn viên làm việc xuyên suốt mấy tháng qua ở Phú Quốc nhưng vẫn không đáp ứng đủ cho các đoàn khách. Đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp chỉ đáp ứng hơn 50% nhu cầu phát triển du lịch hiện tại”, ông Tâm nói.
Đến giữa tháng 8-2022, lượng du khách đến Phú Quốc có chiều hướng giảm, đồng nghĩa với đó thời gian hướng dẫn viên “nằm nhà” cũng tăng nhiều hơn trước. Đội ngũ hướng dẫn viên không còn thiếu như những tháng trước đó, mỗi tháng mỗi hướng dẫn viên có từ 4-5 tour.
“Hướng dẫn viên thiếu vào những tháng cao điểm 5, 6, 7, 8 hàng năm và các ngày lễ, tết. Những tháng còn lại thì bình thường hoặc thừa vào những tháng vắng khách, đội ngũ hướng dẫn viên không có tour. Đáng lưu ý, đối với những hướng dẫn viên tự do, trong thời điểm dịch COVID-19 vừa qua và những tháng vắng khách, điều họ lo lắng là làm sao kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Nhiều đồng nghiệp phải bỏ nghề hoặc tạm dừng chuyển sang công việc khác”, ông Tâm thông tin.
TP. Phú Quốc có 700 cơ sở lưu trú với hơn 25.000 phòng, trong đó có 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao với 125 phòng; 6 khách sạn 2 sao với 156 phòng; 5 khách sạn 3 sao với 1.012 phòng; 4 khách sạn 4 sao với 678 phòng; 17 khách sạn 5 sao với 9.307 phòng và 147 khách sạn, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn. Thành phố có nhiều nhà hàng, quán ăn và các loại hình kinh doanh dịch vụ, du lịch khác như canô tham quan các đảo, thuê xe vòng quanh đảo, tham quan bằng xe điện… Với 15.714 người phục vụ ngành dịch vụ, du lịch, việc tìm giải pháp bổ sung nguồn lực cho du lịch Phú Quốc trong ngắn hạn và dài hạn là việc làm cấp bách cần tính đến. |
Bài và ảnh: TÂY HỒ
►Gỡ khó cho nguồn nhân lực du lịch Phú Quốc - Bài 2: Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: