06/09/2022 08:48
● Gỡ khó cho nguồn nhân lực du lịch Phú Quốc - Bài 1: Nỗi lo sau đại dịch ● Gỡ khó cho nguồn nhân lực du lịch Phú Quốc - Bài 2: Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp |
XU HƯỚNG DỊCH CHUYỂN LAO ĐỘNG
2 năm đại dịch COVID-19, nhiều lao động làm việc ở doanh nghiệp du lịch TP. Phú Quốc (Kiên Giang) bỏ nghề hoặc chuyển làm việc khác. Kinh tế khó khăn đẩy người lao động vào thế phải nghỉ việc vì lương giảm hoặc không có lương, thậm chí có doanh nghiệp phải đóng cửa.
Từ khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kiên Giang, chị Mai Thị Mỹ Duyên - chuyên viên Phòng Hành chính - Nhân sự Kim Hoa resort định hướng sẽ làm việc ở quê nhà Phú Quốc. 7 năm qua, chị gắn bó với công việc ở một khách sạn trên địa bàn phường Dương Đông, TP. Phú Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp không gượng nổi với đại dịch COVID-19 nên đóng cửa, chị nghỉ việc. Hơn 6 tháng ở nhà, chị được tuyển dụng vào làm ở Kim Hoa resort.
“Gia đình tôi ở Phú Quốc nên có thể chịu được khó khăn của đại dịch, nhiều người không cầm cự nổi phải đi nơi khác hoặc chuyển ngành làm việc. Kim Hoa resort tạo điều kiện để nhân viên học tập, phát triển nghề nghiệp, lương, thưởng, chính sách đãi ngộ tốt thu hút nhân viên vào làm việc”, chị Duyên cho biết.
Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc đặt ra mục tiêu liên kết các trường, trung tâm dạy nghề trong và ngoài tỉnh dạy nghề ngắn hạn cho khoảng 2.000 lao động nông thôn đến năm 2030, trong đó khoảng 1.450 người học nghề phi nông nghiệp; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 71%. |
Theo ông Bùi Áng Văn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, Tổng quản lý Kim Hoa resort, hậu COVID-19, doanh nghiệp còn 38 nhân sự. “Doanh nghiệp phải xoay sở tìm lao động mấy tháng nay. Chúng tôi tuyển dụng lao động qua đào tạo hoặc đào tạo tại doanh nghiệp. Hiện chúng tôi có gần 80 lao động, vẫn còn thiếu. Lao động là người Phú Quốc, có nhà ở Phú Quốc chiếm khoảng 10% lao động của Kim Hoa resort. Hầu hết lao động còn lại từ đất liền ra”, ông Văn cho biết.
Tình trạng thiếu lao động trong ngành du lịch ở Phú Quốc dẫn đến người lao động nhảy việc nhiều. “Nơi nào trả lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, người lao động ký hợp đồng làm việc, đây là đòi hỏi chính đáng. Tuy nhiên, có một bộ phận người lao động đòi hỏi quá về lương, thưởng, giờ làm việc… dẫn đến một số doanh nghiệp khi ổn định được lao động thì bắt đầu sàng lọc lao động của mình”, một chủ doanh nghiệp cho biết.
Đồng chí Đặng Hồng Sơn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang cho biết, hàng năm, tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 lượt lao động. “Đây là con số tương đối lớn, cơ bản đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên do sự phát triển “nóng” của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Phú Quốc; thị trường lao động dịch chuyển theo hướng khoảng 55% lao động làm việc ở trong tỉnh, 45% tự dịch chuyển đi lao động ngoài tỉnh, do đó ảnh hưởng đến lao động đáp ứng cho doanh nghiệp, nhất là trên địa bàn Phú Quốc”, đồng chí Đặng Hồng Sơn cho biết.
THEO NHU CẦU DOANH NGHIỆP
Theo Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc, 10 năm qua (2011-2021), thành phố đã tổ chức 85 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 2.448 lao động nông thôn tham gia các lớp học nghề dưới 3 tháng, trong đó 6 lớp dạy nghề nông nghiệp, 79 lớp dạy nghề phi nông nghiệp. Tổng kinh phí thực hiện hơn 2,4 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, các lớp đào tạo chủ yếu là các ngành, nghề du lịch như phục vụ buồng, bàn, lễ tân, nấu ăn… Theo tình hình phát triển kinh tế của địa phương, người lao động tìm việc làm từ doanh nghiệp và được doanh nghiệp tuyển dụng, tăng thu nhập cho người lao động.
Kim Hoa resort tổ chức tập huấn tại chỗ cho người lao động.
Hình thức đào tạo nghề được đa dạng hóa, đào tạo tập trung tại các cơ sở đào tạo, đào tạo lưu động tại các xã, tại doanh nghiệp và hình thức trực tuyến trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việc đào tạo nghề kết hợp tốt giữa việc học lý thuyết và thực hành tại chỗ, vật tư thực hành được đầu tư, trang bị đầy đủ, bảo đảm học viên thực hành thành thạo kỹ năng, qua đó thu hút học viên tham gia lớp học. Trên 90% học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, chỉ tiêu năm 2022 sở tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm, tuy nhiên đến thời điểm này sở phối hợp các địa phương thực hiện 15 phiên giao dịch việc làm, riêng TP. Phú Quốc có 3 phiên. 6 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp tổ chức hội nghị chuyên đề riêng để phối hợp đưa sinh viên, học sinh của các trường thực tập tại các doanh nghiệp, tạo nguồn lao động cho doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hàng năm tỉnh dành khoảng 12 tỷ đồng để đào tạo cho lao động nông thôn, lao động trong khu, cụm công nghiệp, nhất là doanh nghiệp trên địa bàn TP. Phú Quốc và đào tạo miễn phí theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong một hội nghị gần đây, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang đã đề xuất với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có chính sách, cơ chế riêng hỗ trợ người lao động tham gia học nghề ở các lĩnh vực du lịch.
“Chúng ta có thể miễn, giảm học phí trong một thời gian như 3 năm để thu hút lao động đáp ứng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch. Trong hội nghị đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ghi nhận và có nghiên cứu, đề xuất Chính phủ có một cơ chế, chính sách đặc thù đối với lĩnh vực du lịch”, đồng chí Đặng Hồng Sơn cho biết.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
►Gỡ khó cho nguồn nhân lực du lịch Phú Quốc - Bài 4: Thu hút lao động, doanh nghiệp làm gì?
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: