11/11/2021 17:37
NHIỀU LỢI THẾ
Vùng đệm U Minh Thượng trải dài trên 60km đê bao vùng đệm của Vườn quốc gia U Minh Thượng. Thổ nhưỡng chủ yếu là đất than bùn kết hợp đất sét, đất phù sa, tạo ra loại đất rất màu mỡ, thích hợp cho phát triển nông nghiệp, một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, xoài, một số loại cây có củ và hoa màu. “Huyện đã phối hợp Trường Đại học Cần Thơ giám định thổ nhưỡng, kết quả chứng nhận đất vùng đệm sạch, chưa nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là cơ sở để huyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp về sản xuất nông nghiệp sạch”, đồng chí Nguyễn Quốc Khởi - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng cho biết.
Đồng chí Nguyễn Quốc Khởi cho biết hai xã vùng đệm An Minh Bắc, Minh Thuận đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng của huyện. Sự tiến bộ ở vùng đệm còn thể hiện rõ nét trong việc người dân khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ. Do nhu cầu tiêu thụ nông sản, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, người dân liên kết với nhau trong sản xuất thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Hiện trong vùng đệm U Minh Thượng có 3 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và sản xuất theo hướng VietGAP.
Một góc vùng đệm U Minh Thượng với cây chuối xiêm là chủ lực kết hợp trồng rau màu, nuôi cá nước ngọt.
Theo bà Trần Thị Vỹ - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kênh Mười, xã Minh Thuận, thời gian qua hợp tác xã thử nghiệm làm bột chuối để xuất ra thị trường, tuy nhiên cần sự đầu tư lớn về kinh phí, nên hợp tác xã nghiên cứu thêm. Bà Vỹ cho biết hiện Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang triển khai hỗ trợ hợp tác xã máy sấy dây chuối để tạo ra dây chuối khô làm nguyên liệu đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Bẹ chuối từ cây chuối sau khi đốn quầy, thay vì bỏ đi sẽ được tận dụng để tạo ra nguyên liệu dây chuối khô. Sản phẩm dây chuối khô sẽ được doanh nghiệp bao tiêu. Do tình hình dịch COVID-19 nên thời gian qua việc triển khai mô hình bị chậm, song khi mô hình hoạt động sẽ tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân. Đồng thời thực hiện mô hình gắn với dạy nghề đan thủ công mỹ nghệ từ dây chuối khô cho phụ nữ địa phương.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Vùng đệm có nhiều lợi thế để phát triển, song vẫn còn nhiều khó khăn. Đồng chí Nguyễn Quốc Khởi phân tích trước hết là khó khăn về kết nối giao thông. Vùng U Minh Thượng xa trung tâm tỉnh nên chi phí trung gian để thương lái thu mua nông sản gây ảnh hưởng đến giá đầu ra nông sản. Ông Lý Văn Tình, ngụ ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) nói: “Chúng tôi mong có sự kết nối doanh nghiệp, giúp ổn định đầu ra nông sản”.
Vùng đệm đang gặp phải tình trạng khô hạn, sạt lở trong mùa khô và thường ngập úng cục bộ vào mùa mưa. Vào mùa khô, vùng đệm bị khô hạn, đường giao thông nông thôn bị sạt lở, thiếu nước sản xuất, phòng, chống cháy rừng... Khô hạn khiến người dân không thể vận chuyển nông sản bằng phương tiện đường thủy, từ đó chi phí vận chuyển nông sản tăng. “Vào mùa khô, nước dưới kênh khô hạn, nhưng không thể xả nước mặn vào vì phải giữ ngọt để bảo vệ hệ sinh thái vườn quốc gia. Mùa mưa có thể gây ngập cục bộ như năm 2020 mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường dâng làm vùng đệm ngập cục bộ, ảnh hưởng hoa màu của người dân”, đồng chí Nguyễn Quốc Khởi cho biết.
Người dân đi lại dễ dàng trên tuyến đường nông thôn được bê tông hóa thuộc ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng).
Ứng phó với chu kỳ khô hạn, huyện U Minh Thượng tranh thủ nguồn vốn đầu tư hệ thống cống, đập kết hợp điều tiết nước hợp lý. Trước khi nước mặn về, huyện chủ động bơm nước ngọt vô kênh đê bao, vận động người dân lấy nước đầy kênh, mương phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng, phục vụ vận chuyển. Kết quả mùa khô năm 2021, kênh đê bao vùng đệm không bị cạn nước. Tình trạng ngập cục bộ cũng được khắc phục bằng hệ thống cống đập, máy bơm. Thời gian tới, tỉnh có giải pháp cải tạo và nghiên cứu mở rộng kênh đê bao vùng đệm để phục vụ chứa nước không gây ngập cục bộ và phục vụ công tác chữa cháy rừng, vận chuyển nông sản.
Để phát triển vùng đệm U Minh Thượng giải pháp căn cơ nhất là định hướng, quy hoạch trong vùng đệm. Huyện có đề án quy hoạch phân loại thổ nhưỡng để phát triển sản xuất và triển khai dự án tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng đệm, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Nguyễn Quốc Khởi nói: “Hiện huyện quy hoạch vùng sản xuất chuối xiêm VietGAP kết hợp cây ăn trái, nhân rộng mô hình chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Ở vùng trồng cây ăn trái sẽ kết hợp phát triển du lịch sinh thái nông thôn. Đồng thời, huyện tập trung triển khai có trọng tâm dự án, mô hình liên kết sản xuất, gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm. Các sản phẩm có thương hiệu sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, dễ tìm đầu ra, mang lại thu nhập cao và ổn định hơn cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện”.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: