09/11/2021 10:28
Bài 1: Khai hoang, mở đất
Năm 1990-1992, theo chủ trương làm kinh tế mới, nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng lân cận được nhận khoán đất tại vùng đệm U Minh Thượng phát triển kinh tế. Từ đây mở ra bước ngoặt khai hoang, mở đất, người dân bắt đầu sản xuất lúa, rau màu ở vùng đệm.
MẢNH ĐẤT NĂNG, SẬY
Gắn bó với vùng đất U Minh Thượng từ rất sớm, Anh hùng Lao động Bành Văn Đởm (92 tuổi) - nguyên giám thị Trại giam Kênh 7, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng), từng là Trưởng Ban quản lý dự án vùng đệm U Minh Thượng, có nhiều đóng góp lớn vào việc khai khẩn vùng đệm U Minh Thượng. Theo ông Đởm, vùng đệm U Minh Thượng xưa rất hoang vắng, sau ngày giải phóng, vùng đất này toàn là cây mắm, tràm, sậy, năng… Năm 1990-1992, người dân mới về vùng đệm ở ngày càng đông theo chủ trương của Nhà nước.
Ông Võ Ngọc Giới (sinh năm 1965), ngụ ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc là một trong những người dân góp sức khai hoang đất đai ở vùng đệm U Minh Thượng. Hiện gia đình ông Giới có đất, nhà cửa khang trang, kinh tế ổn định, thế nhưng gần 30 năm trước gia đình ông từng có những ngày thiếu gạo ăn. Trước năm 1992, ông ở xã Đông Hòa (An Minh), gia đình thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước giao 4ha đất thuộc ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc. Ông Giới kể: “Năm ấy về nhận đất khoán mà lòng ngao ngán khi 4ha đất mênh mông là cây sậy cao chừng 2-3m”.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Na, ngụ ấp Minh Thượng, xã Minh Thuận (U Minh Thượng) thăm vườn chuối của gia đình.
Năm 1992, ông Nguyễn Văn Na, quê ở Vĩnh Thuận, nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn, không có đất sản xuất nên được Nhà nước cấp đất ở ấp Minh Thượng. Qua 30 năm gắn bó với mảnh đất được khoán, ông Na cùng người dân nơi đây góp sức làm đổi thay diện mạo vùng đệm U Minh Thượng. Ông Na kể nhiều người khi được giao khoán đất nhìn thấy rừng sậy, không có nhà, không có đường mà bỏ đi, không trụ lại. Riêng ông do không có đất sản xuất nên quyết bám mảnh đất này để khai hoang, trồng trọt. Bằng sức lao động bền bỉ, ông Na biến mảnh đất hoang sơ thành vườn chuối xanh mát, rẫy gừng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
ĐẤT HOANG HÓA THÀNH RUỘNG, RẪY
Đất trong vùng đệm Nhà nước chia cho mỗi hộ dân 4ha đất. Khi người dân về vùng đệm nhận đất khoán sản xuất, ông Bành Văn Đởm kể Nhà nước đào 21 con kênh ở vùng đệm, giúp người dân lấy nước xổ phèn.
Vùng đệm U Minh Thượng để bảo vệ vùng lõi của vườn quốc gia, giữa vùng lõi với vùng đệm có rừng phòng hộ. Vùng đệm U Minh Thượng có diện tích trên 13.000ha, trong đó có rừng sản xuất, rừng phòng hộ, còn vùng lõi khoảng 8.000ha, tổng diện tích Vườn quốc gia U Minh Thượng khoảng trên 21.000ha. |
Là hộ nghèo, chưa có đất sản xuất, ông Giới cố gắng bám đất khai hoang. Sức người không thể khai hoang một lần hết 4ha, nên ông khai khẩn từng khoảnh đất nhỏ, sau đó cấy lúa mùa. “Đất mới khai khẩn nên trồng lúa không hiệu quả, mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa mùa. Gia đình tôi chăm sóc dữ lắm, nhưng do đất mới khai khẩn còn phèn, đến mùa thu hoạch lúa không có hạt, có vụ làm không đủ ăn”, ông Giới kể.
Theo ông Na, 4ha đất toàn sậy được gia đình khai phá dần để trồng lúa. Lúa cấy xuống có khi chết, gia đình lại cấy mạ mới. Không quản ngày nắng, ngày mưa, từ sáng đến tối, ông cứ ra đồng khai hoang từng đám sậy, với hy vọng màu lúa xanh sẽ thay dần cho sậy mọc hoang. Bà Hà Thị Xuân - vợ ông Na kể: “Ngày ấy nghèo quá, tôi phải hái rau muống đồng bơi xuồng từ nhà đến chợ Vĩnh Thuận để bán rau kiếm tiền. Bơi xuồng từ lúc trời chưa sáng đi bán rau, lúc về tới nhà cũng đã chiều. Lúc trước không có đường bê tông, chỉ có con đường nhỏ, trời mưa, đường sình lầy. Bà con đi lại toàn bằng xuồng, ghe”. Vợ chồng ông Na cho biết Nhà nước đầu tư cho 5-7 nhà dân một cái giếng khoan để lấy nước sử dụng. Cuộc sống có vất vả, nhưng cái nghĩa, cái tình ở quê đã níu người dân vùng đệm lại với nhau, gắn bó với mảnh đất này.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Na, ngụ ấp Minh Thượng, xã Minh Thuận (U Minh Thượng) loại bỏ các bẹ chuối khô trong vườn chuối của gia đình.
Lúc mới khai hoang mở đất, người dân vùng đệm U Minh Thượng ngoài cấy lúa mùa còn trồng rau màu. Ông Lý Văn Tình, ngụ ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc kể đến mùa mưa là nước ngập rẫy, có năm không còn gì để thu hoạch. Những năm đầu người dân cứ loay hoay với việc khai khẩn mảnh đất mưu sinh, không sao kể hết khó khăn ngày đó, trời sập tối “muỗi kêu như sáo thổi” là có thật. “Khoảng 5-6 giờ chiều trời sập tối là phải giăng mùng mới ăn cơm được. Người nào ngồi ở ngoài mùng là muỗi đeo đầy tay. Dù cực khổ nhưng ngày xưa vùng đệm cũng nhiều cá đồng, người dân bắt cá ăn không thiếu. Tôi vẫn có một niềm tin vươn lên vì mình có đất, có thể khai phá dần để trồng trọt, chăn nuôi”, ông Tình nói.
Đồng chí Nguyễn Quốc Khởi - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng cho biết, trước năm 2000 đời sống người dân ở vùng đệm U Minh Thượng còn rất khó khăn do điều kiện thoát nước, xổ phèn chưa được đầu tư nên năng suất sản xuất chưa cao. Mặt khác, người dân còn nghèo, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, một số hộ nghèo không bám trụ được nên nhượng lại đất được khoán để đi nơi khác sinh sống. Hiện những người dân kiên trì bám trụ đã góp phần làm nên sự thay da đổi thịt của vùng đệm U Minh Thượng.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Tôi nhiều lần dự định viết về cha mà vẫn chưa thực hiện được, nhưng nay không thể trì hoãn vì sức khỏe của cha ngày càng yếu hơn, trí nhớ đã suy giảm. Rồi tôi chọn tháng 7, tháng có ngày Thương binh - Liệt sĩ và năm 2024, năm cha nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng để hoàn thành bài viết này.
Tổng số lượt truy cập: