10/11/2021 10:18
● 30 năm đổi thay vùng đệm U Minh Thượng - Bài 1: Khai hoang, mở đất |
TỪ CHỦ TRƯƠNG
4ha đất được giao khoán, người dân vùng đệm U Minh Thượng xẻ mương và đắp bờ. Trên bờ, nông dân trồng chuyên canh cây chuối hoặc trồng chuối kết hợp cây ăn trái, trồng gừng, rau màu. Dưới mương, nông dân nuôi cá nước ngọt, ốc bươu... Bình quân mỗi năm hộ dân trồng chỉ chuối xiêm thu nhập trên 100 triệu đồng. Riêng hộ trồng chuối kết hợp cây ăn trái, trồng gừng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. |
“Những năm 1990-1995, tôi đề xuất cứu trợ cho người dân. Nhà nước có nhiều lần hỗ trợ tiền, gạo giúp người dân. Chứng kiến cảnh người dân loay hoay với mảnh đất, nhưng sản xuất mãi vẫn nghèo, tôi suy nghĩ tìm hướng đi để làm thay đổi vùng đệm U Minh Thượng”, Anh hùng lao động Bành Văn Đởm - nguyên Trưởng Ban quản lý dự án vùng đệm U Minh Thượng mở đầu câu chuyện. Ông Đởm kể khoảng năm 2000, ông xin ý kiến Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh múc mương trong diện tích đất được cấp cho người dân. Mỗi mảnh đất của người dân được nhận có chiều ngang 40m, dài 1.000m, trong đó người dân chia 22m chiều ngang để sản xuất và đào 8m mương. Đất dưới mương múc lên sẽ đắp bờ 10m để người dân trồng trọt.
Các con mương được múc vừa lấy nước tưới, xổ phèn, vừa là nơi thoát nước, tránh ngập khi mưa. Ban quản lý dự án vùng đệm U Minh Thượng phối hợp Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu về thổ nhưỡng vùng đất, thử nghiệm các lớp đất để tìm ra độ sâu thích hợp khi đào mương. Lớp đất đào mương được múc đắp lên tạo thành bờ bao cho người dân trồng trọt được thuận lợi. Nhà nước hỗ trợ người dân vay vốn để múc mương, nhưng kinh phí đến 32 triệu đồng, cao hơn giá 4ha đất ngày đó. Lúc ấy 4ha đất trong vùng đệm bán chỉ được 25 triệu đồng. Vì kinh phí múc mương quá cao nên người dân rất ngại vay tiền ngân hàng.
Thương lái thu mua chuối xiêm của nông dân vùng đệm xã An Minh Bắc (U Minh Thượng).
Ông Đởm kể việc vận động người dân vay vốn múc mương cực kỳ khó vì người dân sợ sản xuất vẫn không hiệu quả thì không có tiền trả nợ ngân hàng. Thế nhưng bằng sự kiên trì vận động của cấp ủy, chính quyền, Ban quản lý dự án vùng đệm U Minh Thượng, nhiều hộ dân đã đồng tình.
ĐẾN HIỆU QUẢ
Ông Võ Ngọc Giới, ngụ ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) - một nhân chứng bám trụ vùng đệm U Minh Thượng khẳng định sau khi các con mương được múc phục vụ tưới tiêu, người dân bắt đầu trồng trọt dễ dàng hơn. Người dân chuyển sang làm rẫy nhiều, đến năm 2001-2002, người dân phát triển trồng chuối. Đời sống người dân vùng đệm U Minh Thượng bắt đầu phất lên từ chủ trương phát triển kinh tế nông hộ. Ông Giới cho biết từ năm 2003 trồng chuối xiêm cho hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Người dân trồng chuối xiêm ít tốn chi phí phân bón, nhẹ công chăm sóc. Lúc ấy, giá chuối xiêm chỉ 1.000 đồng/nải, nhưng người dân vẫn đủ sống. Hiện chuối xiêm ngày càng thể hiện ưu điểm kinh tế. Gia đình ông Giới có 2ha trồng chuối xiêm, hàng tháng bán chuối xiêm nải cho thu nhập 7-8 triệu đồng, chưa kể tiền bán bắp chuối. Bắp chuối có giá 4.000-8.000 đồng/kg, hàng tháng gia đình ông bán 300kg bắp chuối đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Gần đây do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên đầu ra bắp chuối gặp khó khăn, tuy nhiên ông tin dịch qua đi mọi việc sẽ trở lại như trước.
Ông Võ Ngọc Giới, ngụ ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) kết hợp trồng chuối xiêm với nuôi cá nước ngọt cho thu nhập ổn định đời sống.
Hiện vùng đệm U Minh Thượng có hơn 2.400ha trồng chuối xiêm. Đồng chí Phạm Duy Tân - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông tin diện tích chuối xiêm tập trung ở xã An Minh Bắc và Minh Thuận. Chuối xiêm là một trong những loại cây trồng có diện tích lớn của huyện, tạo thu nhập chủ yếu cho hàng trăm hộ dân. Chuối xiêm dễ trồng, ít chi phí nên với giá khoảng 5.000 đồng/kg, nông dân đã có lãi. Nông dân vùng đệm đã trồng chuối xiêm theo hướng an toàn, đạt chuẩn VietGAP, đây là một triển vọng cho phát triển nông nghiệp bền vững.
ĐA DẠNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI
Đồng chí Nguyễn Quốc Khởi - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng cho biết, 7-8 năm qua Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đệm U Minh Thượng. Hệ thống cống để xổ phèn, thoát úng trong mùa mưa, điều tiết nguồn nước, hạn chế ngập cục bộ trong mùa mưa được đầu tư. Huyện tranh thủ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp để thực hiện mô hình ở vùng đệm.
Ông Lý Văn Tình, ngụ ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) chăm sóc bưởi.
Lợi thế của người dân vùng đệm là nhiều đất sản xuất, 4ha/hộ, nên dễ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Trên cùng diện tích đất, nông dân xen canh nhiều loại cây trồng như trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản hoặc trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, nhất là chuối xiêm, gừng là hai loại cây trồng chủ lực. 3 năm qua đến trước khi dịch COVID-19 đợt thứ tư bùng phát, giá chuối xiêm nải, gừng củ khá ổn định, đảm bảo người dân có lãi.
Ở ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc, nhiều hộ dân kết hợp mô hình trồng chuối xiêm, cây ăn trái, trong đó nhiều nhất là xoài, bưởi. Đến nhà ông Lý Văn Tình, ngụ ấp Kinh Năm, chúng tôi mê mẩn với vườn xoài, bưởi sum suê. Dưới mương ông nuôi ốc bươu, thả cá nước ngọt. Mảnh vườn xanh mát nhiều năm qua giúp gia đình ông Tình có đời sống ổn định. Nhẩm tính mỗi năm từ trồng xoài gia đình ông lãi 300-400 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Tình lo lắng khi giá nông sản cũng rất bấp bênh, có lúc xoài xuống giá, gia đình ông cũng chỉ huề vốn, thậm chí lỗ.
Nông dân trồng cây ăn trái ở ấp Kinh Năm đang hứa hẹn một bước đi mới phấn khởi khi tham gia hợp tác xã. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc được thành lập, phát triển mô hình sản xuất VietGAP đối với cây chuối, cây ăn trái và định hướng phát triển du lịch nông thôn. Vào hợp tác xã, nông dân được hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay để đầu tư sản xuất. Ông Tình nói: “Vào hợp tác xã, nông dân được hỗ trợ vay vốn đầu tư trồng trọt, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Nông dân tăng cường dùng phân, thuốc sinh học, kết hợp quy trình sản xuất cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch. Đây là bước đầu tiến tới sản xuất nông sản sạch gắn với phát triển du lịch nông thôn”.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Tôi nhiều lần dự định viết về cha mà vẫn chưa thực hiện được, nhưng nay không thể trì hoãn vì sức khỏe của cha ngày càng yếu hơn, trí nhớ đã suy giảm. Rồi tôi chọn tháng 7, tháng có ngày Thương binh - Liệt sĩ và năm 2024, năm cha nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng để hoàn thành bài viết này.
Tổng số lượt truy cập: