19/07/2022 16:27
● Vĩnh Thuận - thành quả 10 năm xây dựng nông thôn mới - Bài 1: Vĩnh Thuận thay da đổi thịt |
THỰC HIỆN TIÊU CHÍ NÂNG CAO
Đạt chuẩn huyện nông thôn mới là quá trình lâu dài, nỗ lực hơn 10 năm của Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Thuận. Không dừng lại ở đó, huyện Vĩnh Thuận tiếp tục đề ra kế hoạch, chương trình, giải pháp để nâng cao tiêu chí đạt thấp, hướng đến nông thôn mới bền vững. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Phòng tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch, lộ trình phấn đấu đến năm 2025 huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Song song đó, cụ thể hóa giải pháp thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao”.
Là một trong hai xã được chọn thực hiện nông thôn mới nâng cao năm 2021-2022, xã Bình Minh quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. “Từ khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, xã bắt tay ngay vào việc nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí đạt thấp. Đảng ủy xã phân công các đồng chí là Ban Thường vụ Đảng ủy phụ trách, theo dõi từng ấp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của ấp về xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Nguyễn Văn Giống - Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh cho biết. Xã Bình Minh gần đạt các tiêu chí và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cuối năm 2022.
" Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục và lâu dài, là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Do đó, xây dựng nông thôn mới phải thực chất, không chạy theo thành tích mà lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu thực hiện".
Đồng chí LÊ TRUNG HỒ - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận
Đồng chí Lê Trung Hồ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Quan điểm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện phải gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Huyện duy trì, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng không phù hợp điều kiện tự nhiên của huyện nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển, mở rộng mô hình sản xuất liên kết chuỗi, quy mô lớn, an toàn, chất lượng. Đồng thời, rà soát, đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thủy lợi, cống, đập, đê bao, điện phục vụ sản xuất theo hướng chủ động”.
NÂNG CAO ĐỜI SỐNG
Xác định nâng cao đời sống của người dân là mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Thuận tiếp tục đề ra mục tiêu và giải pháp giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người dân. Huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%, thu nhập bình đầu người khu vực nông thôn tăng trên 1,2 lần so năm 2020.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện chỉ đạo các xã rà soát hộ nghèo, đồng thời đánh giá, phân tích nguyên nhân nghèo để có giải pháp giúp đỡ phù hợp. Là hộ nghèo, nhờ được hỗ trợ vay vốn kịp thời và có mô hình kinh tế phù hợp, bà Huỳnh Thị Hồng Thẩm, ngụ ấp Bời Lời A, xã Vĩnh Bình Nam vươn lên thoát nghèo. “Tôi chưa dám nghĩ một ngày mình thoát nghèo vì không có đất canh tác, không có cơ sở làm ăn. Gia đình tôi được giới thiệu đi làm công nhân được một thời gian thì dịch bệnh bùng phát phải về quê. Thời gian đi làm công nhân, học được nghề trồng nấm bào ngư, tôi đề nghị xã hỗ trợ vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng thực hiện mô hình trồng nấm bào ngư tại nhà, từ đó mỗi năm gia đình tôi lãi gần 70 triệu đồng, cuộc sống ổn định hơn, tôi xin thoát nghèo”, bà Thẩm nói.
Người dân ấp Ruộng Sạ 1, xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận) học nghề gia công sản phẩm bằng dây nhựa nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của xã, là tiêu chí tiền đề trong xây dựng nông thôn mới, đồng chí Bùi Thanh Văn - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Bình Bắc cho biết: “Trước tiên, ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững xã tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ gia đình, sau đó đề xuất biện pháp giúp đỡ. Nhờ vậy, hầu hết hộ nghèo của xã sau khi thoát nghèo đều vươn lên trong cuộc sống, không tái nghèo”.
Cũng theo đồng chí Bùi Thanh Văn, phần lớn hộ nghèo ở xã là do không có hoặc ít đất sản xuất và thiếu nguồn vốn làm ăn. Qua đó xã giới thiệu việc làm cho gia đình có lao động nhàn rỗi làm công nhân ở các khu công nghiệp, lao động tại địa phương. Nếu hộ nghèo thiếu vốn làm ăn, xã hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và giới thiệu mô hình làm ăn hiệu quả. Bên cạnh đó, cử cán bộ xã theo dõi và hướng dẫn chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Đối với hộ không có đất sản xuất, có người bệnh tật, già yếu, xã vận động nhà hảo tâm giúp đỡ thường xuyên. Đặc biệt, nếu hộ nào nghèo do chây lười lao động, cờ bạc, rượu chè thì xã kiên trì vận động, giáo dục làm cam kết bỏ thói hư tật xấu mới giúp đỡ. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 4,1%, giảm 2,33% so năm 2018.
Đến nay, đời sống người dân Vĩnh Thuận phát triển, nhà khang trang, đường quê thông thoáng. Người dân dần được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ như ở đô thị, ngày càng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Đó là thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới thể hiện được ý Đảng, lòng dân.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: