18/07/2022 09:08
Bài 1: Vĩnh Thuận thay da đổi thịt
Từ huyện còn nhiều khó khăn, đến nay Vĩnh Thuận đã thay da đổi thịt, diện mạo vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện, đời sống của người dân nâng lên.
"Hơn 10 năm trước, nơi đây nhà ở thưa thớt, đường đất sình lầy, đời sống người dân dựa vào cây lúa, năm nào làm đủ ăn đã mừng nên tôi chưa bao giờ dám nghĩ đời sống người dân lại phát triển như ngày nay. Các tuyến đường gần như đều được bê tông hóa, nhiều nơi ô tô đến tận cửa, đa số người dân có cuộc sống ấm no…”, ông Đinh Văn Nghĩa, ngụ ấp Cái Chanh, xã Phong Đông (Vĩnh Thuận) nói.
XUẤT PHÁT ĐIỂM THẤP
Năm 2010, huyện Vĩnh Thuận bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới để cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, số tiêu chí nông thôn mới các xã còn thấp, vừa bằng mức chuẩn theo quy định, bình quân đạt 8,1/19 tiêu chí. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Thời điểm đó, Vĩnh Thuận là huyện thuần nông, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, độc canh cây lúa, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, sản xuất bấp bênh, thường xảy ra tình trạng được giá mất mùa và ngược lại. Tập quán sản xuất của người dân mang tính cá thể, đất nhỏ lẻ, manh mún, khó cho việc bố trí vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất”. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp, đạt 17,19 triệu đồng/năm.
Đoàn thẩm tra của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cùng ban, ngành huyện đi khảo sát thực tế tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, xã Phong Đông (Vĩnh Thuận).
Bên cạnh đó, giao thông nông thôn đi lại khó khăn, chỉ 3/7 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, còn lại chỉ xe 2 bánh lưu thông được trong mùa nắng, 100% xã không đạt tiêu chí giao thông. Nhiều vùng lõm chưa có điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 88%, thiếu nước sạch sinh hoạt… Hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao, toàn huyện hộ nghèo chiếm gần 15%, hộ cận nghèo chiếm 9,75%. “10 năm trước, nhà tôi có 20 công đất ruộng trồng lúa, năng suất rất thấp, có năm đủ ăn, có năm lỗ vốn. Từ sản xuất không hiệu quả dẫn đến đời sống khó khăn, nhiều hộ dân nơi đây chưa có nhà ở ổn định, nhà tạm bợ, dột. Đường giao thông lầy lội, đi lại khó khăn nên nhiều học sinh phải bỏ học”, ông Trịnh Tài Hương, ngụ ấp Cạnh Đền 3, xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận) chia sẻ.
ĐỘT PHÁ TỪ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Xác định để xây dựng nông thôn mới thành công phải lấy phát triển sản xuất làm khâu đột phá, do đó, huyện tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân. Đồng chí Lê Trung Hồ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Huyện tập trung, quyết liệt xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, phát triển kinh tế tập thể, áp dụng khoa học, kỹ thuật… để trên cùng một diện tích nhưng nâng cao giá trị sản xuất cho người dân”.
Mô hình tôm - lúa tại huyện Vĩnh Thuận đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Trong ảnh: Gia đình ông Trương Văn Em, ngụ ấp Kênh 13, xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận) thu hoạch tôm càng xanh.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã, phục vụ tốt nhu cầu giao thông đi lại bằng đường thủy và dân sinh, huyện tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, triển khai nạo vét trên 125 tuyến kênh dài trên 620km, đầu tư xây mới 57 cống kiên cố, 4 trạm bơm điện nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, vùng sản xuất thâm canh. Hệ thống giao thông chuyển biến rõ nét, đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, giao thông liên xã, liên ấp thông suốt, đi lại dễ dàng cả 2 mùa mưa, nắng.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của huyện Vĩnh Thuận đạt gần 60 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 55,51 triệu đồng/năm, tăng 2,99 lần so năm 2010. Huyện giảm từ 2.715 hộ nghèo cuối năm 2010 (chiếm 15%) xuống còn 457 hộ nghèo/7 xã xây dựng nông thôn mới (chiếm 2,34%). Toàn huyện có 7/7 xã đạt tỷ lệ hộ nghèo dưới 4%. |
Năm 2014, huyện thành lập 1 hợp tác xã nông nghiệp tại ấp Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc, đến nay toàn huyện có 17 hợp tác xã. Hầu hết các hợp tác xã đều hoạt động hiệu quả, kinh doanh có lãi. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Phá vỡ thế độc canh cây lúa, huyện phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, trong đó xác định lúa, tôm là sản phẩm chủ lực trở thành thế mạnh cung ứng xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi, hình thành mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ màu, mô hình tôm, lúa, liên kết sản xuất gắn chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để ổn định đầu ra, phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch phát triển cộng đồng”. Hiện tổng giá trị sản xuất bình quân trên một diện tích đất đạt 158 triệu/ha/năm, tăng 98 triệu/ha/năm so năm 2010.
Từ khi chuyển đổi từ mô hình cây lúa sang tôm - lúa, tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm ông Trịnh Tài Hương đều có lãi. Từ 20 công đất ruộng, nay ông Hương đã có trên 70 công đất. “Tôi thay đổi tập quán sản xuất, giảm giống, giảm phân, giảm thuốc trừ sâu, tham gia kinh tế tập thể. Chẳng những tăng năng suất còn giảm được chi phí, đầu ra ổn định, mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 200-300 triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định, phát triển”, ông Hương chia sẻ.
Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Thuận khoác lên mình chiếc áo mới, đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội đều phát triển, nhà cửa khang trang, trên 98% người dân được sử dụng điện an toàn, đường quê mở rộng, sáng ánh đèn. Đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự đồng thuận, chung tay thực hiện của người dân.
Bài và ảnh: MI NI
►Bài 2: Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: