17/09/2022 08:13
● Quả ngọt từ nghị quyết tam nông - Bài 1: Tạo đà cho nông nghiệp “cất cánh” ● Quả ngọt từ nghị quyết tam nông - Bài 2: Nâng tầm vị thế nông dân |
KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐẦU TƯ TOÀN DIỆN
Theo đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn. Cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh đã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, các cấp, ngành và địa phương quyết liệt triển khai đồng bộ giải pháp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; Đề án số 03-ĐA/TU về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên nông thôn, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.
Ngoài ra, tỉnh đề ra nhiều chương trình, đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy, chính quyền các cấp để tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Kiên Giang, tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 là 29.186 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình trên 744,36 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép, vay tín dụng, huy động nhân dân và doanh nghiệp đóng góp.
Từ nguồn vốn huy động được, các địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, công trình điện, cơ sở hoạt động văn hóa, trường học, trạm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn.
Đến nay, Kiên Giang có 90/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn được tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng, hầu hết tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp trong tỉnh đều được bê tông hóa.
Tỉnh có 6.359km đường được đầu tư mới, 100% xã trong đất liền có đường ô tô đến trung tâm. Hệ thống đường nội xã, liên ấp hoàn thành cứng hóa theo quy định xã nông thôn mới. Hệ thống điện được mở rộng, nâng cấp, lưới điện quốc gia về đến vùng sâu, vùng xa, xã đảo, biên giới. Người dân nông thôn được tiếp cận dịch vụ xã hội và hưởng thụ văn hóa. Đời sống nhân dân nâng lên, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
NÔNG THÔN KHỞI SẮC
Cách đây hơn 10 năm khi về huyện Vĩnh Thuận, huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kiên Giang, từng là vùng căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những tàn tích chiến tranh để lại quá lớn nên khi bắt tay vào công cuộc xây dựng, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Thuận gặp vô vàn khó khăn và thử thách.
Tuy nhiên, với sự đồng lòng và tin tưởng của nhân dân cùng sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, Vĩnh Thuận vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng huyện trở thành 1 trong 5 huyện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt tiến độ đề ra.
Đời sống người dân nông thôn ngày càng khấm khá hơn thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Ông Dư Văn Thái, ngụ xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) thu hoạch khóm, cau, dừa, thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm.
Trao đổi về sự thay da đổi thịt của quê nhà, ông Đặng Văn Chóc, ngụ ấp Ruộng Sạ, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết: “Từ vùng nghèo khó, xã có bước chuyển mình với diện mạo khởi sắc. Những ngôi nhà khang trang được xây dựng nhiều hơn trước. Những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước, nhiều tuyến đường được xây dựng mở rộng, không còn lầy lội, ô tô về đến nhà, bà con phấn khởi”.
Xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) 10 năm trước được người dân gọi vui là xã “3 không” vì nơi đây không điện, không đường, không nước. Hệ thống hạ tầng trên địa bàn xã chưa được đầu tư. Kinh tế chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo nhiều hơn hộ khá.
Thế nhưng, vùng quê có trên 50% dân số là hộ đồng bào Khmer đã vươn lên, trở thành vùng có kinh tế phát triển, hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Hệ thống đường giao thông kết nối từ xã đến trung tâm huyện được xây dựng, mở rộng trải nhựa phục vụ tốt việc giao thương, lưu thông, mua bán, sản xuất của người dân.
Xã Thổ Sơn có 100% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trên 99% hộ dân có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt. Địa phương chú trọng xây dựng mô hình phát triển kinh tế trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, người dân tích cực lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Xã thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm giúp nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước giảm nghèo. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55 triệu đồng/năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Á - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Sơn chia sẻ: “Trong xây dựng nông thôn mới, địa phương phát huy nội lực với nhiều cách làm sáng tạo. Hệ thống hạ tầng nông thôn được nâng cấp làm thay đổi cảnh quan, môi trường, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được cải thiện”.
Ông Danh Rết, ngụ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn cho biết: “Cuộc sống của người dân giờ được nâng lên hơn trước đây. Đó là nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Những con đường nhỏ hẹp, lầy lội mỗi khi mưa đến thay bằng con đường lớn, trải nhựa, ô tô vào tận nhà, nước sạch đến từng gia đình. Nông thôn văn minh không kém thành thị”.
Có thể nói, từ những chính sách phát triển tam nông, chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào có tính lan tỏa mạnh mẽ. Người dân trở thành chủ thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Khi ý Đảng và lòng dân hòa chung một nhịp tạo nên sức mạnh nội lực biến đổi vùng quê nghèo trở thành vùng quê đáng sống. Diện mạo mới giúp vùng nông thôn khoác lên chiếc áo mới khang trang hơn, phát triển hơn.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: