15/09/2022 08:10
Bài 1: Tạo đà cho nông nghiệp “cất cánh”
Từ các chính sách đầu tư cho “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), ngành nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang liên tục tăng trưởng mạnh. Cơ cấu ngành nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu.
BỆ ĐỠ CHO NÔNG NGHIỆP
Từ khi Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành, Tỉnh ủy Kiên Giang xây dựng Chương trình hành động số 39-Ctr/TU, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch số 39/KH-UBND để cụ thể hóa thực hiện. Quá trình thực hiện, Tỉnh ủy ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án được tỉnh xây dựng phù hợp tình hình, điều kiện từng vùng và địa phương.
Có nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh đã và đang tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn lực phát triển nhanh kinh tế nông thôn, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, tiêu biểu như chương trình củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn 2012-2020; nghị quyết về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu đến năm 2020; phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chính sách hỗ trợ chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chính sách xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ cho vay vốn…
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp là một trong những hợp tác xã đầu tiên của tỉnh Kiên Giang được tiếp cận chính sách đầu tư quy mô lớn, giúp hợp tác xã phát triển sản xuất hiệu quả hơn. Hợp tác xã được Ban quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT tỉnh đầu tư trên 8,9 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp gồm 2 con đường bê tông dài 2,5km, rộng 4m, cống thủy lợi, trạm bơm điện phục vụ bơm tát, vận chuyển phân bón và thu hoạch lúa cho hợp tác xã.
Anh Nguyễn Văn Huỳnh - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa chia sẻ: “Với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ giúp việc vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, thu hoạch lúa dễ hơn. Chúng tôi mở rộng diện tích liên kết, tiêu thụ sản phẩm, hướng tới sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như phun thuốc bằng máy bay, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dịch hại, nguồn nước… góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho thành viên hợp tác xã”.
NÔNG NGHIỆP TĂNG TRƯỞNG NHANH
Dấu ấn đậm nét của Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đưa kinh tế nông nghiệp của Kiên Giang tăng trưởng nhanh thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là giải pháp mang tính đột phá để đưa nông nghiệp Kiên Giang bứt phá những năm qua, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng tiểu vùng, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của các địa phương, tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi là thế mạnh, chủ lực của tỉnh như lúa gạo và thủy sản.
Thời gian qua, Kiên Giang tập trung quy hoạch, xây dựng nhiều vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao quy mô lớn phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất và sản lượng.
Nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Trong ảnh: Anh Danh Rết, ngụ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) được vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo giúp gia đình thoát nghèo.
Đến năm 2020, Kiên Giang nâng diện tích đất canh tác lúa trên 393.267ha. Bên cạnh tăng diện tích canh tác lúa, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành. Diện tích tôm - lúa đạt 102.486ha, góp phần nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 270.950ha mặt nước thả nuôi năm 2020.
Qua hơn 12 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nông nghiệp Kiên Giang phát triển với tốc độ cao và ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa. Kinh tế nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế và đời sống nông thôn, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2008-2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh tăng trưởng ổn định và bền vững, đạt bình quân 109,8%/năm, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2008, nông nghiệp chiếm 158,9%, lâm nghiệp 126,8%, thủy sản 132,3%. Đến năm 2020, nông nghiệp giảm còn 101,3%, lâm nghiệp chiếm 95,8%, thủy sản 103,1%, đóng góp quan trọng trong tốc độ tăng trưởng chung của cả tỉnh. Thu nhập của đại bộ phận dân cư nông thôn nâng lên.
Lĩnh vực trồng trọt có bước chuyển dịch, cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp điều kiện vùng sinh thái khác nhau. Tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, trong đó có vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tập trung tại các địa phương Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành. Năm 2020, diện tích canh tác lúa của tỉnh mở rộng lên 393.267ha, tăng 36.932ha so năm 2008.
Hòn Đất là địa phương của tỉnh Kiên Giang có nhiều thay đổi tích cực kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện từng bước được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và thị trường. Nông dân trên địa bàn huyện mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Huyện Hòn Đất hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 80.000ha/vụ, với sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn/năm, đóng góp ¼ sản lượng lương thực của tỉnh. Đối với những vùng trồng lúa kém hiệu quả, huyện mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác như trồng rau màu, cây ăn trái, cây dược liệu… kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Gia đình anh Danh Rết, ngụ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất có 1,5ha đất sản xuất, không chỉ sản xuất lúa 2 vụ, anh còn thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo, giúp gia đình có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Anh Rết nói: “Nhờ cán bộ hội nông dân tập huấn, vận động chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tạo điều kiện vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân 50 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo, kết hợp sản xuất lúa chất lượng cao, gia đình tôi thoát nghèo, thu nhập ổn định, xây dựng nhà mới, tích lũy mua thêm ruộng đất”.
Những kết quả ấn tượng của ngành nông nghiệp sau hơn 12 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, khẳng định đây là nghị quyết đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Với bệ đỡ là những chính sách từ Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đưa nông nghiệp Kiên Giang phát triển không ngừng và tiếp tục là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
►Quả ngọt từ nghị quyết tam nông - Bài 2: Nâng tầm vị thế nông dân
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: