21/09/2022 09:29
● Những trái tim ấm áp nghĩa tình - Bài 1: Trao yêu thương đến người nghèo ● Những trái tim ấm áp nghĩa tình - Bài 2: Hết lòng vì công tác xã hội |
Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8-6-2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang tham mưu Tỉnh ủy ban hành chỉ thị, kế hoạch để thực hiện. Công tác tuyên truyền, quán triệt chỉ thị trong hệ thống hội được chú trọng.
Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang phối hợp cơ quan báo chí tuyên truyền công tác nhân đạo, từ thiện. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội, phòng ngừa, ứng phó thảm họa và sơ, cấp cứu cho cán bộ hội. Phổ biến sâu rộng đến các cấp hội ở huyện, thành phố, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về công tác nhân đạo, từ thiện.
Nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ đó huy động các đơn vị tham gia hoạt động như tặng quà, xây nhà chữ thập đỏ, tổ chức chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí...
“Giữa hội và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội có sự phối hợp chặt chẽ thực hiện chương trình hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi. Hội chủ động bám sát tình hình ở địa phương, phát hiện kịp thời người dễ bị tổn thương cần giúp đỡ để lập kế hoạch hỗ trợ...”, đồng chí Lưu Kim Oai - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang cho biết.
Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện sâu rộng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thực hiện phong trào tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, từ năm 2016 đến nay, các cấp hội vận động, thăm hỏi, tặng 278.661 suất quà tổng trị giá trên 107 tỷ đồng. Thực hiện cuộc vận động mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, các cấp hội vận động nguồn lực hỗ trợ thường xuyên 7.542 địa chỉ nhân đạo...
“Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, các cấp hội nhận sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên trong thực hiện công tác nhân đạo. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân về công tác hội và phong trào chữ thập đỏ tại địa phương chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của hội trong tình hình mới và luôn trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân”, đồng chí Lưu Kim Oai nói.
Phong trào hiến máu nhân đạo ngày càng lan tỏa, thu hút nhiều người tham gia.
Với mục tiêu giúp nhiều hơn các hoàn cảnh khó khăn, các cấp, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình nhân đạo, từ thiện, thu hút đông đảo tình nguyện viên và cộng đồng tham gia.
Bếp ăn tình thương tại các trung tâm y tế, bệnh viện cung cấp cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Sau thời gian hoạt động, bếp ăn được nhiều nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ kinh phí.
Ngoài bếp ăn tình thương tại các bệnh viện, các đoàn thể chính trị - xã hội còn thành lập các bếp ăn để hỗ trợ suất cơm miễn phí cho người lao động nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Xuất phát từ tinh thần thương thân tương ái, nhiều đoàn thể xây dựng mô hình hũ gạo tình thương giúp người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn trên địa bàn. Mô hình nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, công chức, viên chức, hội viên. Mô hình được triển khai sâu rộng nhằm mục đích giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không nơi nương tựa và trợ giúp những gia đình có việc đột xuất cần giúp đỡ.
“Hội xây dựng nhiều mô hình hũ gạo tình thương để giúp hội viên phụ nữ khó khăn, người già neo đơn. Mô hình triển khai được chị em hưởng ứng nhiệt tình. Ngoài việc đóng góp vào mô hình, chị em còn vận động người thân đóng góp, qua đó giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn”, đồng chí Trần Thu Hồng - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang chia sẻ.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, những đợt ra quân hiến máu tình nguyện ngày càng được tổ chức nhiều hơn ở các địa phương và thu hút đông đảo người dân tham gia hiến máu. Toàn tỉnh duy trì 82 loại hình câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với 2.099 thành viên.
Các câu lạc bộ, đội tình nguyện viên hiến máu sinh hoạt, kiện toàn thường xuyên, có danh sách, địa chỉ, số điện thoại và phân loại nhóm máu để đảm bảo nhu cầu thường xuyên, đột xuất tại địa phương khi cần, từ đó phong trào hiến máu tình nguyện được đẩy mạnh. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm tỉnh tiếp nhận trên 19.000 đơn vị máu, góp phần cấp cứu và điều trị cho nhiều bệnh nhân.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: