19/09/2022 08:22
Bài 1: Trao yêu thương đến người nghèo
Với mong muốn giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo vươn lên trong cuộc sống, thời gian qua, cùng cấp ủy, chính quyền, nhiều tổ chức, đơn vị trong tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh công tác xã hội, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa những tấm lòng vàng với những mảnh đời kém may mắn.
LAN TỎA GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO
Những phiên chợ nhân đạo ra đời không chỉ phục vụ miễn phí cho người nghèo những món hàng thiết yếu mà còn mang đến sự ấm áp của tình người.
Chợ nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức trên cơ sở huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng nhằm phục vụ miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Chợ gồm các quầy hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và một số mặt hàng khác. Đến phiên chợ, người dân có hoàn cảnh khó khăn được nhận hỗ trợ một phiếu để đổi lấy mặt hàng thiết yếu.
Từ năm 2016 đến nay, hội chữ thập đỏ các cấp thực hiện tháng nhân đạo và chợ nhân đạo mang lại hiệu quả, qua đó hỗ trợ gần 238.000 lượt người với tổng trị giá trên 80 tỷ đồng.
“Mô hình chợ nhân đạo góp phần nhân lên tình yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng; lan tỏa giá trị nhân đạo trong nhân dân; phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách trong các biến cố thiên tai, dịch bệnh; xây dựng cộng đồng đoàn kết, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình được nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ...”, đồng chí Lưu Kim Oai - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Kiên Giang có nhiều việc làm thiết thực theo gương Bác, trong đó nổi bật là chăm lo cho phụ nữ yếu thế, trẻ em nghèo.
Cửa hàng bách hóa tổng hợp 0 đồng tại Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) được thành lập và hoạt động cách đây 2 năm với mục đích phục vụ người dân khó khăn trên địa bàn. Từ khi thành lập đến nay, cửa hàng thu hút đông đảo hội viên phụ nữ, người dân tham gia. Cả người cho và người nhận đều phấn khởi vì thấy được ý nghĩa của hoạt động nhân văn này.
“Hội tích cực vận động tổ chức, cá nhân thu gom quần áo, nhu yếu phẩm, sau đó phân loại để phục vụ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Những bộ quần áo, nhu yếu phẩm được cho đi phần nào chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa hành động đẹp đến mọi người”, đồng chí Trần Yến Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Hiệp nói.
NHỮNG SUẤT CƠM ẤM TÌNH NGƯỜI
Người góp của, người góp công để bếp ăn tình thương tại các trung tâm y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang và tại các địa phương luôn đỏ lửa, mang yêu thương đến bệnh nhân nghèo, người khó khăn. Hàng ngày, những bếp ăn có từ hàng ngàn suất cơm miễn phí, san sẻ yêu thương cùng người nghèo, bệnh nhân nghèo trong tỉnh.
Thành viên bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế huyện An Minh (Kiên Giang) chuẩn bị suất ăn cho bệnh nhân nghèo.
Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện An Minh (Kiên Giang) phối hợp Trung tâm Y tế huyện thực hiện mô hình bếp ăn tình thương nhằm giúp đỡ người đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện những suất ăn, nước uống.
Bếp ăn có khoảng 40 người, được chia làm 6 tổ luân phiên nhau nấu cơm từ thiện; mỗi ngày bếp ăn hỗ trợ khoảng 300 suất cơm, cháo, nước sôi cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nghèo. Phần ăn được nấu chay, thực phẩm tươi đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Với tinh thần tình nguyện, thành viên bếp ăn không ngại khó, hết lòng phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh.
“Hơn 10 năm trước, trong lần đi thăm người nhà tại bệnh viện, thấy bếp ăn tình thương làm việc ý nghĩa nên tôi quyết định tham gia đến nay, chồng tôi cũng làm thư ký tại bếp ăn này”, bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ ấp Xẻo Ngát, xã Tân Thạnh, huyện An Minh chia sẻ.
Đến bếp ăn tình thương của Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái, huyện Châu Thành (Kiên Giang) mới thấy hết tấm lòng của những người luôn hướng về người nghèo. Thành viên bếp ăn cùng san sẻ khó khăn với người nghèo, người bệnh bằng những bữa cơm, cháo đầy ắp tình người.
Những suất cơm ở bếp ăn từ thiện giúp người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh cảm thấy ấm lòng. Từ ý nghĩa nhân văn đó có nhiều tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm đóng góp, hỗ trợ kinh phí để bếp ăn duy trì hoạt động hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái, thành viên tham gia bếp ăn chủ yếu là người dân địa phương. Với tấm lòng thiện nguyện, mỗi người đều mong góp phần giảm khó khăn cho người nghèo, bệnh nhân nghèo nên mọi người đều hết lòng với công việc.
Không chỉ tham gia đóng góp, mọi người còn vận động nhà hảo tâm cùng tham gia. Thời gian đầu mới thành lập, do nguồn vận động hạn chế nên bếp ăn chỉ phục vụ 4 ngày/tuần. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, bếp ăn thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân nên bếp tổ chức phát cơm mỗi ngày.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
►Những trái tim ấm áp nghĩa tình - Bài 2: Hết lòng vì công tác xã hội
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: