10/08/2022 10:25
CÁCH LÀM HAY
Qua lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 1-8-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang về tăng cường công tác quản lý đoàn viên, hội viên; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi đoàn, chi hội, tổ hội ở địa bàn dân cư, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nâng cao kỹ năng tổ chức, quản lý, điều hành cho cán bộ hội liên hiệp phụ nữ cơ sở”, triển khai kế hoạch phát triển tổ chức hội theo phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, kế hoạch công tác hàng năm xác định khâu đột phá để tập trung chỉ đạo.
Huyện ủy U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo hội viên cựu chiến binh gương mẫu, từng tham gia kháng chiến, có năng khiếu kể chuyện, có uy tín tham gia sinh hoạt chi đoàn thanh niên để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Huyện ủy chỉ đạo ấn định ngày sinh hoạt lệ của chi đoàn, chi hội hàng tháng, quy định cán bộ dân vận, Mặt trận, đoàn thể của huyện, xã dự sinh hoạt lệ ít nhất 2 ngày/tháng, qua đó kiểm tra nội dung sinh hoạt lệ, ghi sổ sách, biên bản buổi sinh hoạt của chi đoàn, chi hội ấp, hướng dẫn cách làm đúng theo quy định của từng tổ chức đoàn thể.
Nhắc đến việc cựu chiến binh làm bí thư vinh dự chi đoàn ấp kể chuyện kháng chiến, đồng chí Lại Trung Hậu - Bí thư Xã đoàn Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang nói: “Mỗi lần nghe các chú, các bác kể chuyện, tôi và đoàn viên hiểu hơn về sự anh dũng hy sinh của thế hệ cha ông để có được độc lập, hòa bình, từ đó thôi thúc chúng tôi cố gắng nhiều hơn góp sức xây dựng quê hương”.
Mô hình cựu chiến binh làm bí thư vinh dự chi đoàn ấp hiện được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện U Minh Thượng. Đồng chí Tô Yến Vi - Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn U Minh Thượng cho biết: “Huyện đoàn phối hợp với Hội Cựu chiến binh huyện chọn ấp Công Sự, xã An Minh Bắc tổ chức điểm ra mắt mô hình vào tháng 6-2019. Sau đó, 5/5 xã Đoàn còn lại phối hợp với hội cựu chiến binh xã chọn một ấp thực hiện mô hình điểm tại xã. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, một số xã tiếp tục nhân rộng đến các ấp có điều kiện phù hợp”.
Đoàn viên huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang tham gia ngày chủ nhật xanh, đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập.
Thông qua giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, các xã đoàn của huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang phối hợp hội cựu chiến binh vận động đoàn viên, thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Tô Yến Vi khẳng định, có cựu chiến binh đồng hành, chi đoàn ấp như được tiếp thêm sức mạnh. Việc tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia tổ chức Đoàn ngày càng hiệu quả. Thanh niên có cơ hội tham quan, học hỏi mô hình kinh tế tiêu biểu của cựu chiến binh và áp dụng tại gia đình. Hơn nữa, bí thư chi đoàn vinh dự không chỉ là cựu chiến binh gương mẫu mà còn là đảng viên am hiểu công tác thanh niên đã góp ý, giúp công tác tập hợp thanh niên ngày càng hiệu quả hơn.
THIẾT THỰC VỚI HỘI VIÊN
Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang xây dựng mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, vận động nông dân thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Hội nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đồng chí Doãn Tấn Đạt - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, việc sinh hoạt tổ hội nông dân được Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn phải bám việc nhà, việc nước, việc hội. Việc nhà là nắm tình hình đời sống của hội viên như việc sản xuất, gieo sạ, thời vụ, thu hoạch, tiêu thụ… Việc hội như các chương tình hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân. Việc nước là triển khai phong trào thi đua, chủ trương, chính sách thiết thực nhất ở địa phương ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.
Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang có 140 cơ sở hội, 1.052 chi hội, 8.113 tổ hội với trên 164.000 hội viên. Chi hội duy trì được sinh hoạt định kỳ theo quy định 3 tháng/lần, nội dung sinh hoạt gắn kết được việc triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương và của tổ chức hội. |
Dù chỉ sinh hoạt trong 1 giờ nhưng nội dung sinh hoạt được các tổ hội thuộc Chi hội Nông dân khu phố 1, phường Pháo Đài, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang triển khai rõ ràng, thiết thực, gồm 3 nội dung lớn việc nhà, việc nước, việc hội. Ông Nhan Hiền An - tổ trưởng tổ nông dân số 3, khu phố 1, phường Pháo Đài nói: “Từ đầu năm 2022 đến nay việc sinh hoạt tổ đều đặn, tỷ lệ hội viên tham gia rất cao. Trong buổi sinh hoạt tổ trưởng báo cáo tình hình hoạt động trong tháng; đồng chí chi hội trưởng nông dân nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và triển khai chương trình hoạt động tháng tới. Nhiều ý kiến, nguyện vọng của hội viên được cán bộ hội nắm bắt và hỗ trợ, giúp đời sống hội viên nâng lên”.
Không riêng tổ nông dân số 3 mà các tổ nông dân khác của khu phố 1, phường Pháo Đài, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đều duy trì sinh hoạt hàng tháng và thu hút hội viên tham gia. Chị Trịnh Thị Bích Phượng - hội viên chi hội nông dân khu phố 1, phường Pháo Đài trước đây ít tham gia sinh hoạt tổ hội. Chị Phượng lý giải: “Trước đây tôi hay vắng nhà rồi nghe nhắn lại được mời họp tổ mà không rõ thời gian nên cũng lười đi. Có lúc tôi dự thấy nội dung sinh hoạt chưa thu hút nên tôi không thích tham gia. Gần đây, tháng nào đồng chí tổ trưởng tổ nông dân cũng đến tận nhà mời sinh hoạt tổ. Tôi thấy việc sinh hoạt tổ hội thiết thực, chi hội trưởng, tổ trưởng sâu sát đời sống hội viên, có nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hội viên nên tháng nào tôi cũng tham gia”.
Chị Phượng cũng cho biết nắm được hoàn cảnh gia đình chị, Chi hội Nông dân khu phố 1 hỗ trợ gia đình chị vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư đánh bắt gần bờ, giúp gia đình chị ổn định cuộc sống. Đồng chí Doãn Tấn Đạt nhận định các chi hội có sự chuyển biến trong sinh hoạt, nhất là việc sinh hoạt theo chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã tập hợp nông dân cùng sở thích, cùng ngành, nghề sinh hoạt. Việc sinh hoạt của các chi hội, tổ hội nghề nghiệp có thể 3 tháng/lần hoặc theo mùa vụ, việc làm này rất thiết thực với hội viên, nông dân.
Bài và ảnh: HOÀNG THU
►Nâng cao hiệu quả hoạt động của đoàn thể ở địa bàn dân cư - Bài cuối: Xây dựng “ngôi nhà” tập hợp đoàn viên, hội viên vững chắc
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: