09/08/2022 17:20
Bài 1: Thiếu sức hút với đoàn viên, hội viên
Sinh hoạt là điều kiện cơ bản giúp chi đoàn, chi hội, tổ hội nắm bắt tâm tư, tình cảm và triển khai chương trình hoạt động đến đoàn viên, hội viên, nhưng thời gian qua việc sinh hoạt của đoàn thể ở địa bàn dân cư vẫn chưa đều, chưa thu hút đoàn viên, hội viên.
Theo điều lệ của các hội, các chi đoàn, chi hội ấp, khu phố họp, sinh hoạt hàng tháng hoặc 3 tháng/lần, tuy nhiên có nơi chưa thực hiện đúng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
NỘI DUNG CHƯA PHONG PHÚ
Theo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, chi hội nông dân họp 3 tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường, mỗi tháng tổ hội họp 1 lần. Tuy nhiên, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số tổ chức hội ở cơ sở không tổ chức sinh hoạt theo quy định. Đồng chí Doãn Tấn Đạt - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho rằng, thời gian qua có nơi việc tổ chức sinh hoạt hội còn lồng ghép với sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, chưa tách nội dung sinh hoạt riêng để tuyên truyền về công tác hội và phong trào nông dân. Chất lượng sinh hoạt một số nơi chưa đảm bảo. Tỷ lệ hội viên dự sinh hoạt định kỳ không cao, đạt khoảng 50%. Nội dung sinh hoạt chưa phong phú, thiết thực, chưa tạo được sức hút với hội viên. Có nơi người chủ trì sinh hoạt chưa nắm được kỹ năng tổ chức, tiến trình thực hiện một buổi sinh hoạt.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang, tổng kết năm 2021, trong 10.265 tổ hội phụ nữ toàn tỉnh có 4.514 tổ hội vững mạnh, 3.986 tổ hội khá, 1.675 tổ hội trung bình và còn 90 tổ hội yếu. |
Theo đồng chí Doãn Tấn Đạt, hiện ở cơ sở việc thực hiện Nghị quyết 549/2021/NQ-HĐND, ngày 14-1-2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang, qua đó nhân sự chi hội trưởng nông dân thường xuyên thay đổi. Chi hội trưởng, tổ trưởng các tổ hội chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội dẫn đến công tác lãnh đạo, điều hành còn lúng túng, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân tại địa phương còn hạn chế.
“Khi trở lại trạng thái bình thường mới, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo quyết liệt trong hệ thống hội về tăng cường công tác quản lý đoàn viên, hội viên; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội, tổ hội ở địa bàn dân cư. Hội Nông dân tỉnh khảo sát thực tế tình hình hoạt động tổ chức hội nông dân cơ sở và chi hội trong năm các tháng đầu năm 2022 để có hướng chỉ đạo, giải quyết khó khăn khách quan, chủ quan trong công tác hội”, đồng chí Doãn Tấn Đạt nói.
HOẠT ĐỘNG CHƯA ĐỀU
Đồng chí Phạm Thị Yến Ly - Chánh Văn phòng - Xây dựng tổ chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang thông tin Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quy định chi hội, tổ phụ nữ sinh hoạt ít nhất 3 tháng/lần. Việc này được các cấp hội trong tỉnh triển khai thực hiện đạt kết quả khá tốt. Cuối năm 2021, toàn tỉnh có 144 cơ sở hội, 955 chi hội, 10.265 tổ hội phụ nữ với 270.942 hội viên. Hiện có khoảng 40% tổ hội sinh hoạt 1-2 tháng/lần, còn lại sinh hoạt từ 2-3 tháng/lần; riêng chi hội sinh hoạt 3 tháng/lần.
Mô hình đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm sinh hoạt gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) góp phần thu hút hội viên, phụ nữ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sinh hoạt tổ phụ nữ cũng còn nhiều hạn chế. Có nguyên nhân là cán bô chi hội, tổ hội chưa hoạt động mạnh, có nơi có lúc khuyết tổ trưởng tổ phụ nữ, có nơi sinh hoạt liên kết 2-3 tổ hội phụ nữ, có khoảng 20-30 chị sinh hoạt. Theo đồng chí Phạm Thị Yến Ly, địa bàn dân cư rộng cùng với bận việc phát triển kinh tế gia đình, một số chị chưa nhận thấy lợi ích thiết thân tham gia sinh hoạt chi hội nên tỷ lệ hội viên tham gia chưa cao, chỉ đạt 60-70%. Đó là điều trăn trở của ban chấp hành hội các cấp. Ngày 14-4-2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 34/KH-BCH thực hiện đột phá về xây dựng chi hội, tổ hội vững mạnh nhiệm kỳ 2021-2026.
Hoạt động của chi đoàn ấp, khu phố hiện gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra, Tỉnh đoàn Kiên Giang cho biết, trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các chi đoàn có nhiều nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sinh hoạt trực tuyến bằng cách tuyên truyền trên nhóm Zalo, thông tin tình hình và cách phòng, chống dịch bệnh; kêu gọi đoàn viên, thanh niên chung sức phòng, chống dịch thông qua việc trực chốt, làm công tác hậu cần, góp sức chăm lo người dân nghèo, khó khăn bị ảnh hưởng của dịch bệnh một cách sôi nổi.
Tuy nhiên, hoạt động của chi đoàn ấp, khu phố gặp khó do thực trạng chung đa số thanh niên đi làm ăn xa. Các thanh niên có mặt ở địa phương trong tuổi Đoàn tham gia sinh hoạt ở chi đoàn trường học, ban, ngành, riêng thanh niên là đoàn viên sinh hoạt ở chi đoàn khu phố, ấp rất ít. “Có nơi chi đoàn ấp chỉ có 3 đoàn viên vừa đủ để sinh hoạt. Trước khó khăn đó, theo Chỉ thị số 11-CT/TU, tổ chức Đoàn các cấp nghiên cứu, sắp xếp chi đoàn liên ấp, khu phố phù hợp điều kiện thực tế, nhất là nơi có ít đoàn viên. Bên cạnh đó, thông qua câu lạc bộ, đội, nhóm yêu thích như hát múa, thể thao, văn nghệ để thu hút thanh niên tham gia các phong trào ở địa phương”, đồng chí Nguyễn Hải Ninh nói.
Bài và ảnh: HOÀNG THU
►Nâng cao hiệu quả hoạt động của đoàn thể ở địa bàn dân cư - Bài 2: Đổi mới phương thức tập hợp đoàn viên, hội viên
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: