06/07/2023 10:52
Bài 1: Mở biển cho tàu vươn khơi
Bài 2: Lấn biển, xây dựng thành phố
Bài 3: Xây dựng Phú Quốc xứng danh đảo ngọc
ĐẤT ĐẢO CHUYỂN MÌNH
10 năm trước, xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) vẫn chưa thu hút được du khách mặc dù xã có nhiều bãi biển đẹp, nước biển trong xanh, các điểm leo núi hấp dẫn, di tích lịch sử văn hóa mang đặc trưng vùng biển, đảo. Một trong các nguyên nhân được nhìn nhận và lý giải do thời điểm đó Lại Sơn chưa có điện lưới quốc gia, đường giao thông, cầu cảng… Thêm vào đó, xã chưa có nhiều chuyến tàu chở khách nối đất liền với đảo. Và đến khi những khó khăn này được tháo gỡ, giải quyết, Lại Sơn mới có thêm điều kiện bứt phá phát triển du lịch.
Giai đoạn 2018-2022, bình quân mỗi năm xã đảo Lại Sơn đón trên 200.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng gấp 10 lần so thời điểm trước năm 2018. Nhiều khách đến Lại Sơn hôm nay ngỡ ngàng trước sự đổi thay của xã đảo. Đường quanh đảo được bê tông và mở rộng, khách chạy xe thỏa thích ngắm cảnh biển. Nhiều điểm du lịch trên đảo được đầu tư khang trang và hoạt động kinh doanh hiệu quả như Bãi Bàng, cây Dừa Nằm, Bãi Đá, Làng Chài... Từ lác đác vài phòng nghỉ, đến nay trên địa bàn xã có 72 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 700 phòng và có cả khu resort 3 sao. Hiện mỗi ngày có 4 lượt tàu cao tốc vận chuyển khách từ đất liền ra, về đảo.
Đồng chí Giang Văn Tài - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lại Sơn cho biết, xã được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, huyện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông trên đảo đã đem lại diện mạo mới cho xã. “Điện lưới quốc gia kéo ra đảo năm 2016 và tỉnh công bố quyết định công nhận Lại Sơn là khu du lịch địa phương vào cuối năm 2017. Từ đó, đã thúc đẩy các loại hình du lịch biển, đảo ở Lại Sơn phát triển, thu hút nhiều du khách. Cuộc sống của người dân nơi đây cũng đã thay đổi nhanh chóng, mức hưởng thụ về kinh tế và tinh thần cao hơn trước đây”, đồng chí Giang Văn Tài nhấn mạnh.
Ngày 12-1-2023, niềm vui chuẩn bị đón năm mới Quý Mão năm 2023 như được nhân đôi đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) khi xã là xã đảo đầu tiên được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã đảo Hòn Nghệ đã nhận được nguồn đầu tư kinh phí gần 20 tỷ đồng của tỉnh, huyện và sự đóng góp của nhân dân. Người dân Hòn Nghệ có điện lưới quốc gia, nước sạch sử dụng.
Ngoài tiềm năng phát triển du lịch, khu vực đảo Hòn Nghệ còn thích hợp để phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Hòn Nghệ còn được mệnh danh là “vương quốc cá lồng bè” của Kiên Giang. Hiện toàn xã có hơn 1.300 lồng bè, gần 200 hộ nuôi, chủ yếu là cá bớp, cá mú, cá trân châu. Thu nhập bình quân đầu người ở Hòn Nghệ năm 2022 hơn 64 triệu đồng/người.
Khách du lịch tại xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang). Ảnh: ĐỨC BÌNH
Trở lại quần đảo Hải Tặc, xã Tiên Hải, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) lần này, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay rõ rệt của xứ đảo này, dịch vụ kinh doanh nhà nghỉ nơi đây sôi động hơn. Chỉ tay về phía trụ điện kéo từ Mũi Nai, TP. Hà Tiên, sừng sững giữa biển chạy dài đến đảo Hòn Đốc - đảo lớn nhất của quần đảo Hải Tặc, một chủ nhà nghỉ trên địa bàn xã Tiên Hải nói: “Hơn 3 năm trước chưa có điện lưới quốc gia, du khách đến và về trong ngày, rất ít người nghỉ qua đêm. Kể từ khi đảo có điện lưới quốc gia, các nhà nghỉ được đầu tư, nâng cấp mở rộng, khách du lịch đến lưu trú tại đảo ngày càng nhiều”.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Kiên Giang, đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở các vùng ven biển, xã đảo trên địa bàn tỉnh gấp 1,25 lần so với thu nhập bình quân toàn tỉnh. Cuộc sống ổn định, kinh tế ngày càng khá giả, người dân yên tâm sản xuất, góp sức xây dựng biển, đảo ngày càng giàu đẹp. |
Không chỉ được đầu tư điện lưới quốc gia, những năm qua, xã Tiên Hải được quan tâm đầu tư khá đồng bộ về cơ sở hạ tầng như giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt… Từ đó, Tiên Hải có thêm điều kiện phát triển kinh tế.
Đồng chí Dương Anh Phong - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hải đánh giá hiện các loại hình dịch vụ, du lịch, cung ứng hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và phục vụ sản xuất. Từ năm 2020 đến nay, tổng giá trị ngành thương mại, dịch vụ, du lịch của xã đạt 320,9 tỷ đồng, tăng bình quân 12,71%/năm; xã thu hút 104.283 lượt khách du lịch.
ĐỂ TIỀM NĂNG THÀNH NGUỒN LỰC
Xã đảo Tiên Hải nằm cách trung tâm TP. Hà Tiên (Kiên Giang) khoảng 28km đường biển, có nhiều thắng cảnh đẹp, bãi biển cạn có tiềm năng phát triển du lịch. Để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển, năm 2021, UBND TP. Hà Tiên đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng dự án khu dân cư Hòn Đốc và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải.
Dự án này có tổng diện tích trên 10,5ha, trong đó giai đoạn 1 khai thác 7,79ha, giai đoạn 2 trên 2,7ha. Người dân Tiên Hải rất kỳ vọng khi dự án được triển khai thực hiện sẽ đem đến nguồn lợi lớn cho xã từ du lịch, các hoạt động kinh doanh dịch vụ, lưu trú, thương mại và thậm chí bất động sản.
Tại xã đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải, một xã đảo chỉ nằm cách TP. Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 20km tiềm năng phát triển du lịch cũng không hề nhỏ do có vị trí thuận lợi về giao thông. Để phát triển xã đảo Hòn Tre trở thành trung tâm của huyện đảo Kiên Hải và là điểm đón những đoàn khách từ TP. Rạch Giá sang du lịch những ngày cuối tuần, UBND huyện Kiên Hải đã lập quy hoạch chi tiết xây dựng, kêu gọi đầu tư khu du lịch Đuôi Hà Bá. UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã quyết định quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái Bãi Chén (ấp 1, xã Hòn Tre) với quy mô 42ha.
Cùng với đó, chính quyền địa phương quy hoạch xây dựng mở rộng lấn biển khu dân cư Hòn Tre với quy mô 37ha gồm các khu chức năng nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ du lịch cùng các công trình công cộng, khu thương mại, dịch vụ... Dự án đã được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 đang trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
Một góc của Hòn Đốc, đảo lớn nhất nằm trong quần đảo Hải Tặc, thuộc xã Tiên Hải (TP. Hà Tiên) nơi có phong cảnh đẹp và yên bình. Ảnh: ĐỨC BÌNH
Những năm gần đây, du lịch ở xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) phát triển vượt bậc. Xã đảo có Bãi Cây Mến - nơi được đánh giá là bãi tắm đẹp nhất quần đảo Nam Du. Trong câu chuyện về phát triển du lịch tại đây, nhiều người dân hy vọng du lịch ở xã sẽ có thêm điều kiện phát triển khi dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Bãi Cây Mến do Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group) làm chủ đầu tư triển khai và đi vào hoạt động. Dự án này dự kiến xây dựng với diện tích 5,27ha, là một khu phức hợp các dịch vụ, tiện ích bao gồm: Nhà hàng, khách sạn, Villas, bungalow, beach bar.
Với hai trụ cột chính là khai thác hải sản và phát triển du lịch, những năm qua kinh tế của huyện đảo Kiên Hải tăng trưởng khá ổn định, với tốc độ bình quân từ 10-11%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,5 triệu đồng/năm. Cùng năm 2022, thu ngân sách đạt trên 21 tỷ đồng, tăng nhiều lần so những năm trước đây.
Đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải cho biết, một trong những khâu đột phá của nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX nhiệm kỳ 2020-2025, Kiên Hải phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện phát triển mạnh về du lịch và nuôi trồng thủy sản; đến năm 2030 Kiên Hải trở thành một trong những huyện trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh, đồng thời là huyện đứng tốp đầu về sản lượng nuôi trồng thủy sản.
Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế biển thời gian qua tỉnh Kiên Giang đã đề ra nhiều giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 805 dự án, tổng vốn đăng ký 390.360 tỷ đồng. Trong đó, riêng các địa phương có biển như TP. Rạch Giá, TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Châu Thành, Kiên Hải, An Biên, An Minh (Kiên Giang) có 729 dự án với vốn đăng ký 186.802,97 tỷ đồng. |
Để thực hiện được điều này, Kiên Hải đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản và đang kêu gọi đối tác đầu tư nuôi biển với quy mô lớn. Cùng với đó, huyện quy hoạch xây dựng xã đảo Lại Sơn thành khu du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Huyện tập trung đầu tư xây dựng quần đảo Nam Du (thuộc 2 xã An Sơn và Nam Du) thành khu du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng hiện đại. Những dự án này khi triển khai thực hiện sẽ tiếp tục đưa lĩnh vực thủy sản phát triển và giúp sức nâng lĩnh vực du lịch của huyện đảo Kiên Hải vươn tầm.
ĐỨC BÌNH - TÚ MINH
(KGO) - Nữ anh hùng liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm với cuốn sách bất tử “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không chỉ tới với bạn đọc nhiều nước trên thế giới, mà tên tuổi chị còn hiển hiện trong chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" để tới với các em học sinh những vùng sâu, vùng xa, những hải đảo khuất nẻo như đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: