05/07/2023 14:43
Bài 1: Mở biển cho tàu vươn khơi
Bài 2: Lấn biển, xây dựng thành phố
UBND tỉnh Kiên Giang chuẩn bị sơ kết 20 năm thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, ngày 5-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 (gọi tắt là Quyết định 178).
TỪ… “ĐỊA NGỤC”
Năm 2002, lần đầu tiên chúng tôi có chuyến hành trình đến Phú Quốc. Thời đó, Phú Quốc còn là một huyện đảo thuần nông, người dân đi biển, sản xuất nước mắm và làm rẫy với cây trồng chính là tiêu và điều. Từ TP. Rạch Giá, mất hơn 7 tiếng lênh đênh, tàu sắt mới cập cảng An Thới, cảng tàu duy nhất trên đảo.
Di chuyển từ thị trấn An Thới lên thị trấn Dương Đông - trung tâm hành chính của huyện đảo với khoảng cách hơn 30km bằng xe gắn máy trên con đường bê tông độc đạo nhỏ xíu đèo dốc uốn lượn, hai bên đường là một màu xanh của cây rừng. Hai ngày lưu lại Phú Quốc, tôi chỉ tham quan các mô hình trồng rau, trữ nước ngọt của một số đơn vị bộ đội.
Trong suy nghĩ của tôi và những người đặt chân đến Phú Quốc thời đó “Phú Quốc là một hòn đảo cách trở, xa xôi và thiếu thốn”. Và cũng vì nguyên nhân này mà từ năm 1953, bọn thực dân, đế quốc đã cho xây dựng tại Phú Quốc một nhà tù với quy mô và độ tàn độc nhất, nhì ở miền Nam. Trong suốt một thời gian dài khi nhắc đến Phú Quốc nhiều người nghĩ ngay đến “nhà lao Cây Dừa” hay “Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc”.
Tháng 3-2023, tròn 50 năm những người tù cộng sản bị giam cầm tại Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc chiến thắng trở về. Tỉnh Kiên Giang đã phối hợp Ban Liên lạc cựu tù binh Phú Quốc - Việt Nam tổ chức trang trọng lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về”.
Sự kiện này một lần nữa thêm khẳng định “địa ngục trần gian” đã tồn tại trong lòng đảo Phú Quốc suốt 20 năm ròng và cho thấy vùng đất này, hòn đảo này, thành phố này và những người chiến sĩ cộng sản bị giam cầm nơi đây đã rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh, gần 48 năm thống nhất đất nước, 50 năm chấm dứt chế độ nhà tù của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, những ký ức về một thời máu lửa vẫn còn như mới hôm qua.
Một góc quần thể nghỉ dưỡng cao cấp Mariott Phú Quốc (TP. Phú Quốc). Ảnh: TRUNG HIẾU
Đồng chí Trương Quốc Tuấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đã viết trong cuốn sách Huyền thoại Phú Quốc bản anh hùng ca cách mạng: “Nói đến Phú Quốc không thể không nhắc đến nhà tù Phú Quốc”.
“Du khách ngày nay đến tham quan nhà tù Phú Quốc đứng trước cảnh quan hôm nay của khu trại giam năm xưa, xem những di vật còn lưu giữ lại tại nhà trưng bày vẫn không hình dung nổi sự đày đọa như một địa ngục trần gian mà kẻ địch đã làm ngày ấy…”.
“Dù bị giam cầm, tra tấn rất dã man đến cùng cực, nhưng những chiến sĩ cách mạng kiên trung quyết không sợ, đã liên tục đấu tranh không khoan nhượng với mọi hành động tội ác tày trời của kẻ địch, đã cống hiến tuổi thanh xuân, tính mạng cho cuộc chiến đấu, cho thắng lợi cuối cùng của cách mạng”.
ĐẾN… ĐẢO NGỌC
Ghi ơn cho một vùng đất anh hùng và để phát huy những tiềm năng to lớn từ vùng đất này, ngày 5-10-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178. Theo đồng chí Văn Hà Phong - nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (nay là TP. Phú Quốc), từ Quyết định 178, Phú Quốc được sự hỗ trợ và phối hợp của các bộ, ngành Trung ương trong việc ban hành các khung pháp lý về quy hoạch, quy chế tổ chức, hoạt động; nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài, chế độ tài chính và thủ tục hải quan.
Phú Quốc được quan tâm bố trí vốn từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ và được các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cơ quan trực thuộc bộ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu.
Bộ máy của Phú Quốc được tăng cường, quy chế điều hành linh hoạt hơn. Phú Quốc đã làm tốt việc hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước về đầu tư phát triển, thu hút khá nhiều nguồn lực.
Ngoài ra, Phú Quốc còn được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế thương mại tự do, khu kinh tế mở…
Khách du lịch quốc tế tại ga đi cáp treo Hòn Thơm (TP. Phú Quốc). Ảnh: TRUNG HIẾU
Lợi thế lớn nhất của Phú Quốc là được Trung ương và tỉnh Kiên Giang quan tâm về mọi mặt. Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm một đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách những vấn đề liên quan đến phát triển đảo Phú Quốc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã điều động nhiều cán bộ giữ các chức danh chủ chốt của Phú Quốc. Các sở, ngành cũng cử cán bộ ra giúp sức cùng chính quyền Phú Quốc trong việc đón làn sóng đầu tư vào đảo.
Để đón các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn, Phú Quốc dồn nguồn lực phát triển hạ tầng cơ sở với những con đường dọc, ngang trên đảo. Cảng hàng không quốc tế, cảng tàu biển, cảng tàu du lịch, hệ thống điện lưới quốc gia, nước sạch… được đầu tư xây dựng và nhanh chóng hoàn thành.
Hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sungroup, CEO, BIM… đã đến Phú Quốc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch, xây dựng nên những khu dân cư, đô thị hiện đại theo nhu cầu dòng người di cư ra đảo an cư lạc nghiệp.
Đến nay, Phú Quốc có 286 dự án đầu tư du lịch, với tổng diện tích 9.656ha và tổng vốn đầu tư hơn 375.000 tỷ đồng. Trong đó, có 47 dự án được khai thác và đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 17.389 tỷ đồng; 78 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư hơn 195.580 tỷ đồng, số dự án còn lại đang thực hiện các thủ tục đầu tư.
Hiện nay, tại Phú Quốc có rất nhiều công trình, dự án quy mô lớn và rất lớn đã được đưa vào khai thác góp phần tạo diện mạo du lịch và đô thị Phú Quốc càng thêm hiện đại. Tại khu vực bắc đảo Phú Quốc có thể kể đến một số cơ sở du lịch nổi tiếng như quần thể Phú Quốc United Center, Vinpearl Safari Phú Quốc do Tập đoàn Vingroup đầu tư.
Ở khu vực nam đảo Phú Quốc có hàng chục resort 5 sao của các tập đoàn CEO, BIM, Sungroup… Đáng chú ý là quần thể vui chơi giải trí biển Sun World Hon Thom Nature Park, cáp treo Hòn Thơm Phú Quốc dài nhất thế giới, tháp đồng hồ Central Village biểu tượng phồn vinh của Phú Quốc, công viên nước hàng đầu châu Á 2020 - Aquatopia Water Park…
Những dự án, công trình này đã tạo cho đảo ngọc điểm nhấn ấn tượng, đưa Phú Quốc trở thành hòn đảo du lịch nổi danh khu vực và thế giới.
Mới đây, Phú Quốc lọt vào tốp 23 điểm đáng đến trong năm 2023 do một tạp chí của nước Mỹ (tạp chí Travel+Leisure) bình chọn. Trong danh sách này Phú Quốc xếp thứ 3 và được xem là một trong những ngôi sao mới của du lịch Việt Nam.
Một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng, Phú Quốc được cả nước quan tâm nên luôn là chủ thể bị “công kích”. Vì vậy, Phú Quốc nên tự soi, tự sửa và tự hoàn thiện để luôn xứng đáng với mỹ danh đảo ngọc, xứng danh trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao tầm cỡ khu vực và thế giới.
ĐỨC BÌNH - TÚ MINH
►Bài 4: Tiếp tục khai mở những vùng đất đảo
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: