11/01/2023 21:15
Bài 1: Khi người lao động mất việc làm
Bài 2: Chật vật cuộc sống ở quê nhà
NGƯỜI ĐỒNG CẢNH GIÚP NHAU
Những ngày cận tết, căn nhà cặp bờ kênh xáng Thạnh Hưng của anh Huỳnh Thanh Tuấn, ngụ ấp Phạm Đình Nông, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng liên tục sáng đèn vào ban đêm cùng tiếng động cơ máy may đều đặn.
Đôi mắt trỏm lơ vì phải “tăng ca” liên tục, nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ trên môi, anh Tuấn cho biết: “Vô mùa tết nên vợ chồng và anh chị phụ may ở đây phải làm liên tục mới kịp trả đơn cho công ty. Có người làm từ sáng đến 22 giờ tối, còn vợ chồng tôi thức tới 3 giờ sáng vừa ủi, vừa kiểm lại từng đường kim, mũi chỉ trước khi giao khách. Ráng làm được nhiều hàng để thu nhập mọi người khá hơn, tết đỡ chật vật”.
Cơ sở may của anh Huỳnh Thanh Tuấn, ngụ ấp Phạm Đình Nông, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đã giúp 8 lao động mất việc về địa phương có thu nhập từ 4,5-5,5 triệu đồng/tháng.
Tha hương cầu thực từ năm 13 tuổi, anh Huỳnh Thanh Tuấn quyết định về lại quê nhà từ tháng 6-2022 sau thời gian dài bươn chải nơi đất khách. Nói về lý do lần trở về này, anh Tuấn cho biết nhìn vợ cầm xẻng đào đường giữa đêm khuya khi công trình cần đẩy nhanh tiến độ, lòng anh nhói lên nỗi xót xa cùng cực.
Nhất quyết giã từ TP. Hồ Chí Minh, cùng với số tiền dành dụm được còn lại sau đợt cách ly vì dịch bệnh, anh Tuấn nắm tay vợ lên xe quay lại chốn quê nhà. Trước khi rời đi, anh Tuấn kịp kết nối với một chủ chuỗi cửa hàng thời trang đặt vấn đề nhận may mặt hàng thời trang dự tiệc, công sở.
Đã có sự tính toán từ trước, sau khi sắp xếp lại việc nhà, anh Tuấn mua 5 đầu máy may, 1 máy vắt sổ để mở cơ sở may mặc và tuyển thêm 8 lao động. Bình quân mỗi tháng, cơ sở may của anh Tuấn may thành phẩm hơn 400 sản phẩm. Do mặt bằng tại nhà chật hẹp nên một nửa số lao động nhận quần áo về nhà may, số còn lại ngày hai lượt đi về.
Chị Lê Thị Thúy Oanh, ngụ ấp Thạnh Xuân, xã Thạnh Hưng làm mẹ đơn thân nuôi đứa con lên 9 khi mới 25 tuổi. Chị Oanh từng làm công nhân cho một công ty may tại Đồng Nai, nhưng mất việc do dịch bệnh. Đợi mãi không thấy công ty gọi trở lại làm nên chị Oanh về lại quê nhà. Với nghề may có sẵn, chị Oanh may mắn được nhận vào làm việc tại cơ sở may của gia đình anh Tuấn gần 2 tháng nay.
“Đang buồn rầu vì thất nghiệp thì tôi được vợ chồng anh Tuấn nhận vô làm. Tháng đầu tiên, tôi thu nhập 4,5 triệu đồng, tết này tăng ca thì được 5 triệu đồng. Với khoản thu nhập này, tôi có thể lo cho ba mẹ già và con gái mà không phải xa xứ nữa”, chị Oanh tâm sự.
Ngồi cạnh Oanh còn có chị Đồng Kim Hên (39 tuổi), nhà cách nơi làm chỉ vài bước chân. 3 tháng làm việc tại cơ sở may của anh Huỳnh Thanh Tuấn, chị Hên thầm cảm ơn đôi vợ chồng trẻ đã tạo công ăn việc làm cho chị và người dân trong xã.
“Làm ở đây thoải mái lắm. Sáng nấu cơm cho chồng con, cho heo ăn xong, tôi mới tới làm. Nhà sát bên nên chạy tới chạy lui được. Đi làm công ty thì giờ giấc khích ghim, dễ gì được vậy. Mong là Tuấn có vốn mở thêm xưởng may nữa để bà con mất việc về quê có việc làm, khỏi đi đâu xa nữa”, chị Hên nói.
Tất bật xếp những bộ đầm vừa may xong vào thùng chuẩn bị gửi xe giao khách, anh Tuấn cho biết đơn hàng công ty ngày càng nhiều, vợ chồng anh dự tính sẽ cơi nới thêm nhà may, sắm thêm vài đầu máy may nữa nhằm nâng quy mô sản xuất. Mong muốn của Tuấn là tạo được thêm nhiều việc làm giúp những thợ may thất nghiệp.
HỖ TRỢ BẰNG NHIỀU CÁCH
Xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng có hơn 2.000 lao động đi làm ăn xa, trong đó riêng ấp Phạm Đình Nông 500 người. Nhờ thực hiện tốt công tác giới thiệu việc làm nên từ năm 2020 đến nay, ấp nông thôn mới kiểu mẫu này xóa trắng hộ nghèo, cận nghèo.
Đa số những hộ đi làm ăn xa đều thuộc đối tượng ít hoặc không có đất sản xuất. Có hộ sau thời gian làm công nhân đã tích lũy được tiền gửi về quê sửa, cất mới nhà cửa, lo cho con ăn học. Bên cạnh đó có hộ mở tiệm may mặc tại quê nhà.
“Thấy hơn chục hộ mất việc về quê sớm hơn mọi năm, ấp cũng có tính toán. Nếu sau tết, bà con vẫn chưa được công ty gọi đi làm thì địa phương sẽ tổ chức các lớp học nghề ngắn hạn để tạo việc làm tại chỗ như đan ghế nhựa, may công nghiệp, chăn nuôi… Hộ nào có đất thì đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi để sản xuất”, ông Trần Hoàng Sơn - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Phạm Đình Nông cho biết.
Thất nghiệp trở về quê, chị Lê Thị Thúy Oanh, ngụ ấp Thạnh Xuân, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) được nhận vào làm tại cơ sở may mặc của gia đình anh Huỳnh Thanh Tuấn ở cùng xã.
Theo UBND huyện Giồng Riềng, toàn huyện có hơn 40.000 lao động đi làm ăn xa. Từ tháng 6-2022, nhiều lao động trong huyện đã trở về quê do không có việc làm hoặc thu nhập giảm sút không đủ chi phí để trụ lại. Đến ngày 5-1, toàn huyện có hơn 1.000 lao động trong và ngoài tỉnh đã về quê.
Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Giồng Riềng Phan Ngọc Minh cho biết, trước mắt, huyện sẽ rà soát số lao động trên, nếu là trường hợp nghèo, cận nghèo và đặc biệt khó khăn, huyện sẽ hỗ trợ quà tết.
“Sau đó, huyện sẽ hợp đồng với các doanh nghiệp tại TP. Vị Thanh (Hậu Giang), huyện Gò Quao, huyện Châu Thành để tạo việc làm cho người dân. Trường hợp lao động trẻ tuổi, huyện sẽ tư vấn, giới thiệu xuất khẩu lao động, vì hiện nhu cầu lao động tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc khá cao. Năm 2023, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp người dân có thu nhập tại quê nhà”, ông Phan Ngọc Minh cho biết.
Theo số liệu từ đợt hỗ trợ người lao động trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, toàn tỉnh Kiên Giang có gần 100.000 lao động đi lao động ngoài tỉnh. Hầu hết số lao động này đã trở lại các công ty doanh nghiệp sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, gần đây có gần 2.000 lao động trở về quê do mất việc.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang cũng đã khảo sát, trong số này có gần 300 lao động mong muốn ở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, số còn lại chờ các doanh nghiệp cũ phục hồi sản xuất sẽ trở lại.
UBND tỉnh Kiên Giang đã có chỉ đạo các huyện, thành phố trong tỉnh vận động từ các nguồn xã hội để hỗ trợ quà tết các đối tượng, trong đó có người lao động mất việc gặp khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, đây chỉ làm giải pháp tình thế trong thời điểm tết đến, xuân về. Về lâu dài, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc kết nối với doanh nghiệp hỗ trợ việc làm cho những người lao động thất nghiệp, trong đó cần tính đến việc giữ chân người lao động ở lại làm việc tại quê nhà.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động; tăng cường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội... cũng là cách để giải quyết bài toán lao động.
Bài và ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN PHÒNG BÁO ĐIỆN TỬ
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: