09/01/2023 11:26
Bài 1: Khi người lao động mất việc làm
Điều mong mỏi lớn nhất của người lao động là có việc làm quanh năm với mức thu nhập ổn định, tết đến được doanh nghiệp, giới chủ thưởng tết, sum họp cùng gia đình. Nhưng năm nay, rất nhiều lao động rơi vào nghịch cảnh mất việc làm trước thềm năm mới, trở về quê với hai bàn tay trắng.
TỘI CHO MẤY ĐỨA NHỎ!
Giữa tháng chạp, trong căn nhà của ông Phạm Văn Đời, ngụ ấp Hỏa Ngọn, xã Thạnh Yên A, huyện U Minh Thượng đông con cháu quây quần, nhưng không khí lại nhuốm buồn. Tiếng khóc của đứa cháu ngoại ông Đời, con chị Phạm Thị Diễm My (28 tuổi) đôi khi làm đứt quãng cuộc trò chuyện. “Bé được 18 tháng tuổi, bị bệnh sốt mấy bữa nay nên khóc quấy, nhà đang lúc không tiền”, chị My nói.
7 năm qua, vợ chồng chị My và vợ chồng người chị ruột Phạm Thị Cẩm (35 tuổi) đi làm công nhân cho một doanh nghiệp ở tỉnh Tây Ninh. Hai người mẹ buộc lòng gửi con lại quê nhà cho ông bà ngoại chăm sóc.
Chị My chia sẻ: “Hồi tôi sanh bé mới 6 tháng tuổi đã gửi cho ông bà chăm sóc đến giờ. Tôi đi làm có khi cả năm mới về thăm cha mẹ, thăm con một lần. Ráng làm, chắt chiu tiền nuôi con, không dám xin nghỉ phép. Với lại từ Tây Ninh đổ đường về quê mất sức lại tốn nhiều tiền. Thu nhập mỗi tháng tầm 4-5 triệu đồng/người, dành dụm mới dư chút đỉnh gửi về cho ông bà ngoại chăm lo cháu”.
Chị Phạm Thị Cẩm (bên trái) và chị Phạm Thị Diễm My thất nghiệp trở về quê.
Bắt đầu câu chuyện khi ôm đứa con gái 8 tuổi, chị Phạm Thị Cẩm, cùng ngụ ấp Hỏa Ngọn, xã Thạnh Yên A chia sẻ: “Con bé sinh ra chưa tròn 1 tuổi, tôi phải gửi cho ông bà ngoại. Mỗi khi mẹ về thăm, bé quấn quýt không muốn xa, nhưng vì miếng cơm manh áo tôi phải gạt tay cháu để đi làm”.
Cũng giống hoàn cảnh chị My, chị Cẩm và chồng làm cho một công ty ở tỉnh Tây Ninh đã 7 năm. Hồi dịch COVID-19 bùng phát, dù rất muốn về quê tránh dịch, nhưng vì thực hiện cách ly nên vợ chồng chị Cẩm mấy tháng liền quay quắt trong nhà trọ, thiếu thốn đủ bề.
Tết năm rồi đã thiếu thốn, thế mà tết năm nay lại khó khăn hơn. 5 tháng qua, công ty ít hàng nên có tháng chị Cẩm thu nhập chưa tới 1 triệu đồng. Khó khăn thêm, cách đây 2 tháng, công ty báo “hết việc làm”, vợ chồng chị Cẩm, chị My và nhiều công nhân khác phải nghỉ việc.
Nghỉ việc, chị Cẩm vẫn nán ở trọ lại Tây Ninh với hy vọng dịp tết công ty sẽ có đơn hàng mới, nhưng chờ mãi không thấy công ty gọi. “Thời gian này, tôi nhận việc làm thời vụ, có khi dọn vệ sinh, có ngày rửa chén…, thu nhập mỗi ngày chỉ vài chục ngàn đồng. Còn chồng tôi cũng không khá hơn, làm phụ hồ, hôm có việc, hôm không, thu nhập chẳng là bao”, chị Cẩm cho biết.
Ngừng một lúc, chị Cẩm nói tiếp: “Vợ chồng tôi làm gửi tiền về nuôi con gái và mẹ chồng đã 70 tuổi bị bệnh nhiều năm qua. Khi không có việc làm thì cũng không còn tiền để dành. Hôm bắt xe về quê, tôi không có tiền phải nhờ em gái trả giúp. Tôi tính ở nhà ăn tết xong, qua tết sẽ lên TP. Hồ Chí Minh tìm công ty khác làm”.
Nhận thấy hoàn cảnh hiện tại của gia đình con gái, ông Phạm Văn Đời buồn nói: “Vợ chồng tôi không có ruộng đất, lớn tuổi nên ở nhà trông cháu cho các con đi làm. Trước đây, các con có công ăn việc làm thì gửi tiền về tôi chăm lo các cháu và trang trải gia đình. Bây giờ, mấy đứa thất nghiệp về quê, cả nhà tết này không có tiền. Mình người lớn không đến nổi nhưng tội nghiệp mấy đứa cháu, tết mà không có mấy bộ quần áo mới”.
NĂM NAY, COI NHƯ KHÔNG CÓ TẾT!
Từ nhiều tháng qua, số đông người lao động huyện Hòn Đất cũng khăn gói từ các nơi về quê kiếm sống. Anh Nguyễn Hoài Nhớ, ngụ ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Thuận cho biết, những năm trước, dịp cuối năm, các doanh nghiệp thường động viên công nhân tăng ca hoặc tuyển thêm lao động để sản xuất kịp các đơn hàng xuất khẩu.
Năm 2022, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp ít đơn hàng xuất khẩu, cả năm qua chỉ sản xuất cầm chừng, công nhân chỉ làm việc 3-4 ngày/tuần, còn lại phải nghỉ chờ, đợi đơn hàng mới.
“Đến tháng 11 vừa qua, công ty chỗ tôi làm gửi thông báo “cho người lao động nghỉ tết sớm, vì công ty không có đơn hàng”. Do ít việc, bị giảm giờ làm nên lương mỗi tháng chưa đến 5 triệu đồng, không tiền thưởng tết. Trả tiền phòng trọ, tiền điện, tiền nước, vợ chồng tôi về tới nhà chỉ còn đúng 2 triệu đồng”, anh Nhớ nói.
Ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có số lượng lao động đi làm ăn xa nhiều nhất xã.
Đối với người lao động từ quê lên TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thuộc miền Đông Nam bộ làm việc, hầu hết điều kiện kinh tế khó khăn. Một số người do không có việc làm, không có đất hoặc do làm ăn thất bại, nợ nần nên tha hương mong tìm cơ hội thay đổi số phận. Vợ chồng chị Ngô Cẩm Diệu và anh Nguyễn Văn Khanh, ngụ ấp Kinh Tư, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất nằm trong số đó.
Vợ chồng chị Diệu nghèo đến độ ở quê không có miếng đất cắm dùi. Anh chị dắt díu nhau đi làm công nhân tại khu công nghiệp tỉnh Bình Dương với mong ước khi trở về quê mua được mảnh đất xây được căn nhà nhỏ. Tiền chưa tích lũy được thì cuối năm 2022, công ty đột ngột thông báo cho thôi việc, vợ chồng chị Diệu đành trở về quê, may mắn được người hàng xóm tốt bụng cho ở nhờ.
Chị Diệu cho biết, vợ chồng lên Bình Dương xin vào làm ở công ty giày da. Gần 1 năm qua, công ty cắt giảm giờ làm, mỗi ngày làm tối đa 2-3 giờ. Làm công nhật, những tháng qua, công ty không có hàng, công nhân chỉ có lương cơ bản, không có phụ cấp gì thêm. Làm cả tháng chỉ đủ trả tiền phòng trọ, tiền điện, tiền nước.
“Bị cho nghỉ tết sớm, công ty chỉ trả tạm ứng 70% lương tháng, còn lại 30% lương khi có đơn hàng trở lại, công ty sẽ trả cho công nhân. Với đồng lương ít ỏi của 2 vợ chồng cộng lại chưa được 6 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ, không trụ nổi nên tôi quyết định trở về quê”, chị Diệu bộc bạch.
Trở về quê với 2 bàn tay trắng, phải nuôi 4 miệng ăn và 1 đứa trẻ sắp chào đời, cuộc sống trước mắt của vợ chồng anh Khanh, chị Diệu chật vật hơn bao giờ hết.
Anh Khanh buồn bã nói: “Tình hình kinh tế khó khăn như thế này, chưa biết công ty có tuyển công nhân trở lại. Vợ chồng quyết định về quê, ổn định chỗ ở. Trước mắt, tôi đi làm thuê, chờ vợ sinh. Nghĩ tết mà chạnh lòng, làm cả năm công ty chỉ cho 390.000 đồng tiền xe về quê. Năm nay coi như gia đình không có tết!”.
Bài và ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN PHÒNG BÁO ĐIỆN TỬ
►GIÚP NGƯỜI LAO ĐỘNG VƯỢT QUA KHÓ KHĂN - Bài 2: Chật vật cuộc sống ở quê nhà
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: