10/01/2023 15:54
Bài 1: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/giup-nguoi-lao-dong-vuot-qua-kho-khan-12271.html
ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN
Làm ăn thất bại bán hết ruộng đất trả nợ, nhiều năm qua, chị Trần Kim Nga (43 tuổi) và chồng là anh Đặng Văn Nghiêm (53 tuổi), ngụ ấp Hỏa Ngọn, xã Thạnh Yên A, huyện U Minh Thượng phải bỏ quê lên các thành phố lớn tìm việc. Anh chị làm cho một công ty ở tỉnh Tây Ninh được 7 năm. Những năm công ty làm ăn phát đạt, công nhân được thưởng tết tháng lương 13, tương đương 4-5 triệu đồng/người.
2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty làm ít hàng, chị Nga không được thưởng tết mà chỉ có phần quà của Công đoàn là túi gạo, ký đường, chai nước tương. “Năm 2022, công ty ít đơn hàng, vợ chồng tôi tạm thời bị cho nghỉ việc hơn 2 tháng nhưng không được hưởng tiền bảo hiểm thất nghiệp hay bất cứ khoản hỗ trợ nào, tôi cũng không được nhận quà của Công đoàn. Công ty bảo khi nào có đơn hàng sẽ gọi trở lại làm, nhưng tôi chưa thấy cuộc gọi nào”, chị Nga nói.
Chị Trần Kim Nga, ngụ ấp Hỏa Ngọn, xã Thạnh Yên A, huyện U Minh Thượng thất nghiệp về quê ở nhờ nhà con trai. Hàng ngày, chị Nga trông cháu và phụ giúp các con việc nhà, buôn bán tạp hóa.
Những ngày mất việc, chị Nga và chồng định trụ chờ đợi việc làm từ công ty cũ. Chồng chị đi kiếm việc khắp nơi nhưng lúc có việc làm, lúc không.
Chị Nga không tìm được việc làm nên cùng những công nhân thất nghiệp khác trong xóm ra đồng hái rau dại, bắt ốc bươu vàng về nấu ăn, đỡ tốn kém. “Tiền nhà trọ 1 tháng hơn 1 triệu đồng, tiền ăn uống mỗi ngày mấy chục ngàn đồng là đã tiết kiệm hết mức. Tôi không có việc làm nên không có tiền, phải ăn rau, ăn ốc”, chị Nga bộc bạch.
Trụ ở lại đất Tây Ninh không nổi, trong người còn vỏn vẹn mấy trăm ngàn đồng, vợ chồng chị Nga bắt xe khách về quê. Ở quê, nhà cửa, ruộng đất đã bán sạch, hai vợ chồng phải ở nhờ.
“Hồi đó bể nợ, hai vợ chồng tôi bỏ xứ đi làm. Gom góp được tiền thì gửi về trả nợ cho bà con, cô bác, nên mấy năm qua làm không có dư. Vợ chồng tôi đi làm quanh năm chỉ có 3 ngày tết mới về thăm cha mẹ, con cái. Năm nay khó khăn quá mới về sớm ở nhờ nhà con trai. Nhà này do con tôi tự làm, gầy dựng nên. Mấy ngày này, tôi ở đây giữ cháu nội, phụ việc nhà giúp các con, đợi qua tết rồi đi kiếm việc làm tiếp”, chị Nga cho biết.
Ông Nguyễn Văn Chương - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Hỏa Ngọn cho biết toàn ấp có nhiều hộ dân không có đất sản xuất, chỉ có nhà ở, phải tha hương cầu thực. Thế nhưng, 2 năm qua bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay bị cho nghỉ việc ngay trước Tết Nguyên đán nên đời sống các hộ này gặp khó khăn.
“Những hộ này phần lớn không thuộc hộ nghèo mà chỉ hộ khó khăn, do họ còn trong tuổi lao động. Có làm thì mới có ăn, mất việc thì bà con khó khăn lắm! Biết là vậy, nhưng ấp, xã không có kinh phí hỗ trợ người dân. Trước mắt, chúng tôi đang vận động quà hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trên địa bàn trong dịp tết”, ông Chương nói.
TÌM VIỆC TỪNG NGÀY
Rời quê làm công nhân đã 8 năm, vợ chồng chị Trần Thị Cẩm Thúy (46 tuổi), ngụ ấp Phạm Đình Nông, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng chưa bao giờ rơi vào tình cảnh bí bách như hiện nay. Tết Nguyên đán năm 2023 cận kề, vợ chồng chị chưa chuẩn bị gì để ăn tết.
Vẻ mặt nhợt nhạt, buồn rầu ,chị Thúy cho biết: “Hai vợ chồng về quê từ tháng 7-2022. Trước đây, vợ chồng tôi thường làm ca 12-14 giờ/ngày đêm, thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng/người. Trừ các khoản chi phí ăn ở, dư được một nửa”.
Tuy nhiên, từ sau khi dịch tạm lắng xuống, công ty ít đơn hàng nên thường xuyên giảm giờ làm công nhân xuống, 1 tuần vợ chồng chị Thúy chỉ làm việc 2-3 ngày, thu nhập giảm còn 4,2 triệu đồng/tháng/người. Không thể sống nổi với mức lương thấp, chị Thúy đã liên hệ nhiều công ty khác nhưng cũng không có việc nên đành về quê.
Chị Trần Thị Cẩm Thúy, ngụ ấp Phạm Đình Nông, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng lặt lá mai thuê cho người dân trong xóm.
Mất việc, giảm giờ làm, thu nhập quá thấp nên nhiều công nhân phải cắt giảm chi tiêu. Những năm trước, đến 29 tết, chị Trịnh Thị Huệ, ngụ ấp Năm Chiến, xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng mới cùng chồng con trở lại quê nhà đón tết sau khi nhận đủ lương, thưởng từ công ty.
Tết này khác xa, vợ chồng chị về sớm hơn 1 tháng. Chiếc xe máy chở lỉnh kỉnh hành lý của gia đình 3 người có lẽ không nặng bằng nỗi lo lắng đang đè nặng trong lòng chị Huệ những ngày qua. “Vợ chồng tôi làm việc ở khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương). Trước đây, thu nhập của hai vợ chồng khá ổn. Nhưng từ đầu năm ngoái đến giờ, chồng tôi mất việc, tôi cũng bị công ty cắt giảm ngày làm việc mỗi tháng”, chị Huệ chia sẻ.
Cuộc sống xa quê thuê trọ với hàng trăm thứ lo. Thu nhập giảm nên gia đình chị Huệ hết sức khó khăn vì lo tiền phòng, tiền điện, tiền nước (chưa kể nhu yếu phẩm) hơn 1,8 triệu đồng. Chồng chị Huệ muốn nán lại tìm việc làm thêm nhưng sợ cận tết giá vé xe đắt đỏ nên bấm bụng đưa vợ con về quê sớm.
Theo chị Huệ, cùng dãy trọ của chị có 36 gia đình đều là người Kiên Giang thuê trọ làm công nhân. Không ít gia đình rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hầu hết các doanh nghiệp không sa thải mà cố gắng duy trì việc làm cho công nhân, nhưng chỉ dừng lại ở mức cầm chừng để giữ chân lao động. Nhiều người không sống nổi với đồng lương ít ỏi đã quyết định về quê nhà với hy vọng tìm việc khác.
Mong muốn có một cái tết trọn vẹn bên gia đình, hơn 1 tháng qua, anh Võ Văn Tào, ngụ ấp Phạm Đình Nông chạy đôn, chạy đáo kiếm việc làm. Hiện anh được một người trong huyện Giồng Riềng thuê bứng mai tết. Vợ anh Tào thì dặm lúa mướn, lặt lá mai thuê.
“Đợi qua tết coi tình hình sao rồi tôi tính tiếp. Công ty chỉ tuyển lao động từ 18-38 tuổi, còn tôi đã 46 tuổi nên khó xin việc lắm!”, anh Tào nói.
NHIỀU CÁCH MƯU SINH
Trong số những lao động mất việc trở về quê, nhiều người đã nhanh chóng ổn định cuộc sống bằng đồng tiền tích cóp từ những tháng ngày vất vả ở xứ người. Có người may mắn được sự hỗ trợ chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở hỗ trợ tìm được việc làm và có thu nhập ổn định.
Nhờ chịu khó chăm chỉ làm việc, tích cóp để dành trong mấy năm làm công nhân tại tỉnh Bình Dương, vợ chồng chị Bùi Thị Tiệp và anh Nguyễn Quốc Em, ngụ ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất có số vốn nho nhỏ để xoay xở khi trở về quê lập nghiệp sau 4 năm đi làm công nhân.
Theo chị Tiệp, từ khi dịch COVID -19 bùng phát đến nay, công nhân lao động tại các khu công nghiệp ở Bình Dương đều bị giảm thu nhập vì công ty cắt giảm giờ làm, thiếu nguyên liệu sản xuất.
“Công ty của tôi chuyên về hàng gia công ghế sopha xuất khẩu, công nhân không có việc làm nhiều tháng nay. Vợ chồng cùng đi sang các công ty khác tìm việc cũng không có chỗ nhận. Thu nhập giảm mạnh từ hơn 20 triệu xuống còn 8-10 triệu/tháng. Trong khi đó, mỗi tháng, tôi phải gửi 4 triệu đồng về quê trả tiền gửi con và mua sữa. Thấy làm không đủ sống, nên vợ chồng xin nghỉ về quê”, chị Tiệp chia sẻ.
Sau khi mất việc làm, trở về quê, vợ chồng chị Đỗ Thị Bích Liễu, ngụ ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất mở tiệm hớt tóc nhỏ và quyết định lập nghiệp tại quê nhà.
Sau khi trở về quê, với số vốn dành dụm được, chị Tiệp thuê thêm đất để làm ruộng. Hàng ngày, thời gian rãnh, chồng chị đi xịt thuốc, rải phân, làm phụ hồ… kiếm thêm thu nhập. “Mặc dù công việc ở quê tuy có vất vả hơn lúc đi làm ở thành phố, nhưng vợ chồng chịu khó làm việc cũng đủ trang trải cho cuộc sống”, chị Tiệp nói.
Chị Đỗ Thị Bích Liễu, ngụ ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn cũng là công nhân thất nghiệp trở về quê. May mắn hơn nhiều gia đình khác, khi về quê, chị Liễu được chính quyền địa phương động viên, giúp đỡ tạo điều kiện để vợ chồng chị kiếm việc làm có thu nhập.
Chị Liễu nói: “Vợ chồng tôi quyết định không trở lại thành phố nữa mà lâp nghiệp ở quê nhà. Chúng tôi mở một tiệm hớt tóc nhỏ, trước nhà bán quán cà phê, thu nhập không cao như khi làm công nhân, nhưng đủ để cho con đi học”.
Bài và ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN PHÒNG BÁO ĐIỆN TỬ
►GIÚP NGƯỜI LAO ĐỘNG VƯỢT QUA KHÓ KHĂN - Bài 3: Cần có giải pháp lâu bền
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: