13/09/2023 10:09
Theo bác sĩ chuyên khoa II Danh Phước Nguyên - Trưởng Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, đột quỵ não đặc trưng bởi hiện tượng mất chức năng não cục bộ cấp tính và kéo dài trên 24 giờ, có thể gây tử vong. Đột quỵ gồm hai loại chính là đột quỵ thiếu máu não cấp (nhồi máu não); đột quỵ xuất huyết gồm xuất huyết trong não và xuất huyết khoang dưới nhện.
Nhồi máu não là tình trạng giảm lưu lượng tưới máu não có thể do tắc nghẽn động mạch não dẫn đến hình thành ổ nhồi máu khi vùng nhu mô não nhận lượng máu ít hơn bình thường. Xuất huyết não xảy ra khi các mạch máu não bị vỡ, gây ra chảy máu trong nhu mô não hoặc não thất. Xuất huyết khoang dưới nhện tự phát là tình trạng máu chảy vào trong khoang dưới màng nhện bao quanh não một cách tự phát (không do chấn thương).
Bệnh nhân đột quỵ não được can thiệp điều trị kịp thời dần phục hồi sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Đến năm 2015, Việt Nam có khoảng 486.000 người còn sống sau đột quỵ với các di chứng như liệt nửa người, co rút gân cơ, loét do tỳ đè, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, mất sức lao động... đòi hỏi sự hỗ trợ thường xuyên từ người thân và nhân viên y tế. Điều này để lại gánh nặng to lớn cho người bệnh, gia đình và xã hội.
Năm 2022, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang tiếp nhận điều trị 2.421 bệnh nhân đột quỵ. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, bệnh viện tiếp nhận 1.190 bệnh nhân đột quỵ. Đột quỵ não thường xảy ra ở người cao tuổi. Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang ghi nhận nhiều trường hợp đột quỵ não ở người trẻ tuổi.
Để phòng, chống đột quỵ, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giải pháp truyền thông để người dân nâng cao nhận thức về bệnh đột quỵ ở 3 nội dung dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Đỗ Thiện Tùng cho biết ngành Y tế Kiên Giang đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề phòng, chống đột quỵ với 3 nội dung dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng sau đột quỵ. Hội thảo sẽ mời tất cả các đơn vị y tế trực thuộc sở tham dự. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch truyền thông bằng hình thức phù hợp để người dân tiếp cận thông tin cơ bản của bệnh đột quỵ như các biện pháp phòng bệnh, dấu hiệu nhận biết bệnh để đến cơ sở y tế điều trị kịp thời…
Để công tác điều trị bệnh đột quỵ đạt hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong và tăng cơ hội hồi phục cho bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Sĩ - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang kiến nghị: “Ngoài công tác truyền thông, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh công tác chỉ đạo hoàn thiện mạng lưới điều trị đột quỵ trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tập huấn để các bác sĩ điều trị tuyến cơ sở sớm nhận biết trường hợp đột quỵ não và chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh để can thiệp kịp thời”.
Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang triển khai nhiều biện pháp điều trị đột quỵ hiệu quả như thuốc kháng đông, thuốc chống kết tập tiểu cầu, kiểm soát huyết áp, kiểm soát lipid máu… và các phương pháp điều trị đặc hiệu như thuốc tiêu huyết khối, phương pháp can thiệp tái thông mạch bằng dụng cụ cơ học.
Bác sĩ chuyên khoa II Hồng Văn Thao - Giám đốc Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang cho biết: “Bệnh viện triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật trong khám, điều trị cho người bệnh đột quỵ sau giai đoạn cấp như ôxy cao áp, hệ thống phòng tập hoạt động trị liệu… giúp bệnh nhân phục hồi chức năng, giảm di chứng sau đột quỵ”.
Đột quỵ não xảy ra đột ngột, nguy cơ tử vong cao, để lại nhiều di chứng nặng nề, do đó việc phòng bệnh quan trọng. Phương pháp tốt nhất hạn chế đột quỵ phải kiểm soát sức khỏe tốt như hạn chế rượu, bia, thuốc lá, tích cực tập thể dục, nếu có bệnh lý như bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh tim, rối loạn lipid máu thì phải điều trị tích cực.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến người bệnh tàn phế hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu người bệnh kiểm soát tốt đường huyết thì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm các biến chứng để duy trì sức khỏe ổn định như người bình thường.
Tổng số lượt truy cập: