23/02/2023 19:20
Nguy cơ “chảy máu chất xám” cũng là vấn đề đang đặt ra cho ngành y tế. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá (Kiên Giang) nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ảnh: MI NI
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức của ngành y tế: Đó là hệ thống y tế còn tồn tại, hạn chế chưa giải quyết được quyết liệt ở giai đoạn trước và đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là sau COVID-19, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Hệ thống thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế cơ bản đã hoàn thiện nhưng vẫn còn những bất cập nhất định, đặc biệt là những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục một cách triệt để. Số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng như trang thiết bị còn tồn đọng lớn.
Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, chuyển từ hệ thống y tế công lập sang y tế ngoài công lập, đặc biệt là những cán bộ y tế có tay nghề cao, có kinh nghiệm, cũng là một khó khăn, thách thức đối với ngành y tế.
Trong điều kiện đó, ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao và từng bước làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, điều đáng lo ngại là nhiều bệnh viện thông báo đến các khoa, phòng trong vòng một tuần nữa sẽ hết các hóa chất xét nghiệm và chỉ có thể thực hiện theo cấp cứu. Chỉ còn khoảng 1-2 tuần nữa, nếu không có giải pháp tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được.
“Vừa rồi Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, đồng thời có rất nhiều khó khăn đã được Chính phủ, Bộ Y tế giải quyết. Tuy vậy, là những người trực tiếp tham gia vào công tác điều trị, khám chữa bệnh tại một bệnh viện tuyến đầu của đất nước, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho đến nay chúng tôi không thể mình tự xử lý được”, Tiến sỹ Trần Bình Giang chia sẻ.
Dẫn giải cho điều này, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong năm 2022, sau đại dịch, bệnh viện đã khám chữa bệnh, mổ xẻ, điều trị với hơn 79.000 ca mổ - khối lượng công việc rất lớn.
Số lượng người bệnh thường xuyên đến và phải chờ đợi được điều trị rất nhiều, trong khi những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để có thể mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế hiện tại đang vướng mắc.
Không chỉ Bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Bệnh viện K cũng có rất nhiều khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh. Tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, vật tư y tế để dành chăm sóc người bệnh, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng gần như đã hết.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, 3 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện đồng nghĩa với việc Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn nội tại. Thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện đang thiếu trầm trọng. Hầu hết các thiết bị của Bạch Mai sử dụng 10 năm qua là thực hiện liên doanh, liên kết. Khi hết hợp đồng, các Thông tư về liên doanh, liên kết cũng hết hiệu lực và đang chờ quy định mới nên không thể tái ký hợp đồng, cũng như không thể ký các hợp đồng mới.
“Việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới thì Bệnh viện không có nguồn ngân sách nào. Do vậy chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách của Chính phủ để Bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh”, Tiến sỹ Đào Xuân Cơ cho hay.
Trước những khó khăn, thách thức đang hiện hữu, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, để giải quyết vấn đề này, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước tiên phải giải quyết được vấn đề nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực của ngành. Tiếp đến là hoàn thiện cơ chế, chính sách để minh bạch; phải tính đúng, tính đủ về chi phí khám chữa bệnh.
“Tôi khuyến cáo Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an, những máy móc, thiết bị do chúng ta thực hiện cơ chế đầu tư công-tư kết hợp, tư nhân đầu tư mà có sai phạm thì đó là sai phạm của con người, không phải sai phạm của máy móc. Chúng ta phải giải tỏa vấn đề này để có máy móc, thiết bị hiện đại chăm sóc sức khỏe nhân dân. Máy đắp chiếu nằm trong kho chờ xử lý sai phạm, người dân thì không có máy móc thiết bị. Rồi việc nhập các vật tư, thiết bị y tế của chúng ta rất chậm do cơ chế của chúng ta không linh hoạt. Tôi cho rằng rất nhiều cơ chế, chính sách ngành y tế cần được tháo gỡ quyết liệt và với tinh thần, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chúng ta cần chia sẻ với ngành y, phải có thuốc, vật tư, máy móc hiện đại".
Nguy cơ “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư cũng là vấn đề nóng được nêu ra tại tọa đàm. Theo Tiến sỹ Đào Xuân Cơ, khó khăn về tài chính, chênh lệch thu chi của bệnh viện không có, nên nguồn tài chính để đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên rất thấp. Hiện bệnh viện đã phải vay Quỹ phát triển sự nghiệp để chi thường xuyên cho cán bộ, nhân viên. Điều đó làm cho thu nhập của người lao động, của các y, bác sỹ giảm rất nhiều.
“Bây giờ, một khi có bệnh viện nào mới thành lập, tư nhân hoặc thậm chí kể cả bệnh viện công lập, có những khoa mới thành lập là cán bộ Bệnh viện Bạch Mai lại rục rịch xin sang đơn vị đó. Vì thực tế tại Bệnh viện bây giờ nguồn chi cho cán bộ nhân viên eo hẹp. Chúng tôi đang hết sức lo lắng đến ngày 1-7 tới đây bắt đầu chi theo lương mới thì nguồn chi thường xuyên của Bệnh viện Bạch Mai chưa chắc đã đủ chi lương cho cán bộ nhân viên”, ông Đào Xuân Cơ nêu thực tế.
P.B.T tổng hợp
(KGO) - Hơn 300 công nhân, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn huyện An Minh tham gia hiến 203 đơn vị máu.
Tổng số lượt truy cập: