04/11/2022 08:58
Với triệu chứng sốt, ho, chảy nước mũi, bà Lê Phụng Hiểu, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) đến phòng khám tư nhân điều trị 5 ngày nhưng chưa khỏi. Sau đó, bà nhập viện Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang điều trị, đến ngày thứ 3 thì hồi phục sức khỏe.
“Bác sĩ chẩn đoán tôi sốt siêu vi. Lúc trước, sức đề kháng của tôi tốt thì bệnh tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, lần này bệnh của tôi có triệu chứng nặng hơn, nhờ nhập viện kịp thời nên tôi được điều trị hiệu quả”, bà Hiểu nói.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình - Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, bệnh sốt siêu vi hay còn được gọi là sốt virus, chính là tình trạng sốt do nhiễm phải các loại virus (siêu vi trùng) khác nhau. Đây là bệnh cấp tính, thường gặp ở trẻ em và người lớn tuổi do hệ miễn dịch yếu.
Sốt siêu vi có nhiều thể như nhiễm siêu vi đường hô hấp, đường tiêu hóa hoặc gây thể thần kinh. Đa phần bệnh nhân nhiễm siêu vi đường hô hấp gây cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi…
Bệnh thường kéo dài từ 8-9 ngày, thường không nguy hiểm, khi được điều trị tích cực bệnh nhanh thuyên giảm. Tuy nhiên, mọi người cũng không nên chủ quan bởi bệnh diễn biến nhanh nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm.
Người dân đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang khám bệnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, tháng 10-2022, tỉnh tiếp nhận trên 310.600 lượt bệnh nhân khám tại cơ sở y tế, tăng 19 lượt so tháng trước, điều trị nội trú tăng trên 1.000 lượt so tháng trước, trong đó có nhiều trường hợp điều trị bệnh sốt siêu vi.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình cho biết: “Thời gian gần đây, bệnh nhân mắc bệnh sốt siêu vi có dấu hiệu tăng. Nguyên nhân do thời tiết giao mùa, bắt đầu chuyển lạnh thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Ngoài ra, bệnh lây qua đường hô hấp, nếu một người mắc bệnh mà không tuân thủ việc đeo khẩu trang khi tiếp xúc với mọi người xung quanh sẽ dễ lây bệnh cho người khác. Do đó, thường 1 người trong gia đình mắc bệnh thì sẽ lây cho các thành viên còn lại”.
Bệnh sốt siêu vi chủ yếu lây qua đường hô hấp và đường tiêu hóa, thông qua các hoạt động như giao tiếp, ăn uống, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hay dịch mũi của bệnh nhân. Bệnh khởi phát với triệu chứng như sốt, sổ mũi, hắt hơi, ho, khàn tiếng… Ngoài ra, bệnh nhân nặng còn kèm theo các triệu chứng đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn…
Nếu bệnh nhân mắc bệnh với triệu chứng nhẹ có thể điều trị ngoại trú, nghỉ tại nhà, tăng cường sức đề kháng và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người xung quanh… Nhưng nếu bệnh nhân có các triệu chứng như đau đầu, lừ đừ, đau ngực, khó thở, khạc đàm xanh thì đến ngay cơ sở y tế khám, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để phòng bệnh sốt siêu vi, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình khuyến cáo như bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hóa nên người dân phải đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn; giữ ấm cơ thể.
Người dân cần thực hiện chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, khoa học để nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho cơ thể. Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh nhà cũng như môi trường xung quanh sạch, thoáng mát, ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của tác nhân gây bệnh và có thể tiêm phòng vaccine để ngừa bệnh.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Hơn 300 công nhân, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn huyện An Minh tham gia hiến 203 đơn vị máu.
Tổng số lượt truy cập: