27/11/2024 10:29
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thảo - Phó trưởng Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết sau thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu, đánh giá các yếu tố liên quan tới các biến chứng tâm thần, thần kinh hậu COVID-19 và kết quả điều trị tại tỉnh đối với 381 bệnh nhân từ tháng 8-2023 đến tháng 8-2024 cho thấy tỷ lệ biến chứng thần kinh ở bệnh nhân hậu COVID-19 là 44,4% và biến chứng tâm thần là 9,4%.
“Một số biểu hiện của biến chứng thần kinh và tâm thần hậu COVID-19 như mệt mỏi, sương mù não, đau đầu, đau cơ, yếu cơ, suy giảm nhận thức, chóng mặt, động kinh, stress, rối loạn lo âu, trầm cảm... Từ kết quả này nhóm nghiên cứu đề tài có thể đưa ra các giải pháp điều trị, giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng, nâng cao chất lượng cuộc sống”, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thảo nói.
Ngoài ra, những vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp sau đại dịch COVID-19 như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn stress sau sang chấn...
Bác sĩ Lê Nguyễn Hải Đỉnh - Trưởng Khoa Điều trị bệnh nhân nam Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang khám bệnh, tư vấn cho bệnh nhân mắc bệnh rối loạn lo âu.
Theo bác sĩ Lê Nguyễn Hải Đỉnh - Trưởng Khoa Điều trị bệnh nhân nam Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang, rối loạn lo âu là một trong những vấn đề tâm thần phổ biến sau khi mắc COVID-19, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân do các triệu chứng lo lắng kéo dài, căng thẳng quá mức và suy giảm khả năng kiểm soát cảm xúc. Stress ảnh hưởng đến cả tâm lý và thể chất của bệnh nhân sau khi nhiễm virus như sợ hãi về tình trạng sức khỏe, sự cô lập xã hội, mất mát kinh tế và thay đổi lối sống có thể khiến stress tăng cao. Trầm cảm có biểu hiện chán nản, giảm quan tâm thích thú, mất ngủ, cảm thấy gánh nặng, đau đầu, muốn tự sát, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, dễ giật mình...
Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang có hơn 20 bệnh nhân điều trị nội trú liên quan đến các bệnh lý tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ... có tiền sử mắc bệnh COVID-19. Ông N.V.C, ngụ xã Nam Thái (An Biên) nói: “Sau khi mắc COVID-19, tôi thường xuyên bị mất ngủ, tâm trạng luôn lo lắng, bồn chồn, bất an và cơ thể luôn mệt mỏi nên đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh rối loạn lo âu, nhập viện điều trị. Ngoài điều trị bằng thuốc, bác sĩ hướng dẫn tôi các bài tập thể dục nên giờ sức khỏe tôi dần hồi phục, ăn, ngủ được”.
Để điều trị các biến chứng thần kinh và tâm thần cho bệnh nhân hậu COVID-19, bác sĩ Lê Nguyễn Hải Đỉnh khuyến cáo bên cạnh việc duy trì dùng thuốc, người bệnh cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ như ăn ngủ đầy đủ, lành mạnh như ăn nhiều rau, quả, chế độ ăn ít béo, ít đường...; tập thể dục hàng ngày hoặc ít nhất 5 ngày/tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút; thực hiện các hoạt động yêu thích và có ý nghĩa; chia sẻ cảm xúc với người khác. Người bệnh nên thiết lập những thói quen tốt hàng ngày; suy nghĩ tích cực; hạn chế việc xem, đọc các tin tức tiêu cực.
Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện các hoạt động thư giãn như nghe nhạc, tập yoga. Để giúp kiểm soát stress và lo âu, mỗi người nên thực hiện thở chậm và sâu theo phương pháp 4-7-8. Theo đó, cần hít vào thật sâu bằng mũi và đếm đến 4, giữ hơi thở trong 7 giây, sau đó thở hết hơi ra từ từ bằng miệng và đếm đến 8, lặp lại nhiều lần...
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: