01/02/2023 16:00
Kiểm tra sức khỏe sau tết là việc làm cần thiết. Trong ảnh: Người dân đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đăng ký khám bệnh.
Dân gian có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi” cho thấy tâm lý chung của nhiều người chưa sẵn sàng bắt nhịp ngay với công việc sau thời gian nghỉ tết. Để có tinh thần phấn chấn, làm việc hiệu quả, mọi người cần có kế hoạch cụ thể, thực hiện giải pháp xua tan mệt mỏi.
Bác sĩ Danh Thị Thanh Hà - Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang khuyến cáo, để dư âm tết không kéo dài và bắt nhịp ngay với công việc, mỗi người cần điều chỉnh chế độ nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống hợp lý, đảm bảo chất dinh dưỡng.
Trước tiên, phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày; không lạm dụng thức ăn nhanh với lượng đường, muối, mỡ cao. Mọi người cần đa dạng nhiều thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm gồm chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng; tăng cường thực phẩm giàu chất xơ (trung bình mỗi người cần 500 gram rau, quả/ngày); uống nước đủ hàng ngày (người lớn từ 1-1,5 lít nước/ngày)…
Mệt mỏi khi ngày đầu đến cơ quan làm việc lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, chị Nguyễn Ngọc Minh, ngụ phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) chia sẻ: “Thời gian nghỉ tết, tôi ăn uống, sinh hoạt tự do, thức dậy trễ hơn lúc đi làm.
Sau khi nghỉ tết, tôi điều chỉnh lại giấc ngủ, lúc đầu cơ thể chưa quen, có cảm giác thiếu ngủ, uể oải. Tôi sẽ quay lại lớp tập yoga, điều chỉnh chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây để nhanh phục hồi sức khỏe, có thể trạng tốt nhất để bắt đầu công việc trong năm mới”.
Ngoài điều chỉnh chế độ ăn uống, mỗi người cần có kế hoạch công việc cho riêng mình, duy trì tập thể dục hoặc tiếp tục tham gia các môn thể thao yêu thích. Theo chị Cao Thị Như Ý - giáo viên Trường Trung học cơ sở Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang), cũng như tâm lý chung của nhiều người, sau tết cơ thể uể oải, mệt mỏi là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều năm qua chị tích lũy bí quyết giúp mình lấy lại trạng thái tốt để bắt nhịp với công việc.
Trước tiên, chị lên kế hoạch cho những công việc cần thực hiện. Nếu có quá nhiều việc tồn đọng cần giải quyết chị cũng không nôn nóng vì như vậy sẽ càng tăng stress, giảm hiệu suất công việc. Ngoài ra, chị Như Ý duy trì đi bộ mỗi ngày; ngủ đúng giờ, đủ giấc để nhanh phục hồi thể lực; tránh ăn vặt hay bỏ bữa, uống nhiều nước lọc và ưu tiên các món ăn giàu chất xơ…
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho rằng, những ngày tết nhiều người có tâm lý ăn uống thả ga, uống nhiều rượu, bia và thức ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động, giờ giấc sinh hoạt đảo lộn là những yếu tố đe dọa sức khỏe, nhất là các bệnh lý mạn tính như đường máu, mỡ máu, men gan cao, huyết áp cao...
Do đó, mọi người cần đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe sau tết để kịp thời phát hiện và kiểm soát các bệnh có thể phát sinh.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Hơn 300 công nhân, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn huyện An Minh tham gia hiến 203 đơn vị máu.
Tổng số lượt truy cập: