11/11/2022 13:01
Vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại một đám tang ở ấp Ba Biển, xã Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang). Sau khi viếng đám tang, nhiều người có triệu chứng mệt, chóng mặt, mờ mắt, co giật…, được người nhà đưa đi nhập viện và được chẩn đoán nghi ngộ độc rượu.
Chị Đ.T.P, ngụ ấp Ba Biển, xã Nam Yên nói: “Sau khi dự đám tang nhà hàng xóm, gia đình tôi có 3 người nhập viện điều trị nghi do ngộ độc rượu, trong đó có 2 người đang trong tình trạng nặng. Gia đình rất lo và đau buồn, mong người thân qua cơn nguy kịch”.
Theo điều tra, xác minh của Trung tâm Y tế huyện An Biên (Kiên Giang), trong 4 ngày diễn ra đám tang, gia đình có tổ chức đãi các món ăn và khoảng 100 lít rượu trắng. Bước đầu điều tra vụ ngộ độc tập thể, nghi do rượu gây ra; đồng thời các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Đồng chí Đặng Văn Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang cho biết: “Có hai loại ngộ độc rượu là ngộ độc mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu, ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố methanol gấp nhiều lần mức cho phép”.
Ngộ độc rượu thường xuất hiện các triệu chứng như giảm và mất khả năng vận động tự chủ, không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người... Khi cơ thể không còn chuyển hóa được, rượu uống vào sẽ bị nôn ra. Những trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu ức chế trung tâm hô hấp và gây ngừng thở. Người ngộ độc rượu có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Đoàn công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang phối hợp Trung tâm Y tế huyện An Biên điều tra vụ ngộ độc tập thể nghi do rượu gây ra tại ấp Ba Biển, xã Nam Yên.
Theo đồng chí Đặng Văn Bình, bản chất của rượu là điều chế từ ethanol, tạo ra từ quá trình lên men đường hoặc tinh bột được tổng hợp hóa học trong công nghiệp được dùng làm thực phẩm (rượu uống, bia, dấm…) hoặc rượu tự nấu.
Ethanol dễ được hấp thu qua đường tiêu hóa. Nếu uống rượu đúng cách có thể mang đến lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lạm dụng rượu sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe của người uống, thậm chí còn gây ngộ độc, tử vong.
Loại rượu tự pha chế nguy hiểm nhất là loại chứa methanol. Đây là cồn công nghiệp, hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Nếu uống rượu tự pha chế bằng methanol, sau khi uống methanol được hấp thu nhanh, hoàn toàn qua đường tiêu hóa gây ngộ độc nhanh và nặng.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, đồng chí Đặng Văn Bình khuyến cáo người dân tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol); không uống rượu khi đói và không uống nhiều. Khi thấy người say rượu, người thân, bạn... cần tìm cách để nạn nhân nôn hết.
Đồng thời, cho nạn nhân uống một cốc sữa nóng hoặc trà đặc, cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa) càng lâu càng tốt. Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái (tránh bị sặc).
Khi ngộ độc rượu, mọi người không cố gắng để làm cho nạn nhân nôn mửa (người đã bị ngộ độc rượu bị giảm phản xạ) có thể làm sặc chất nôn của họ hoặc vô tình hít chất nôn vào phổi, gây ra chấn thương phổi gây tử vong. Đặc biệt, tránh để nạn nhân uống rượu say rồi đi ngủ vì một số trường hợp có thể bị hôn mê trong khi ngủ hoặc không nên để nạn nhân ngủ li bì suốt ngày đêm.
Sau vài tiếng, người nhà nên gọi nạn nhân dậy, cho uống sữa hoặc ăn cháo. Nếu có biểu hiện bất thường như co giật, thở không đều, mắt mờ, loạn nhịp tim cần phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Bài và ảnh: KHÁNH LAM
(KGO) - Chiều 11-11, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phối hợp Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học các biến chứng tâm thần, thần kinh hậu COVID-19 và kết quả điều trị tại tỉnh. Hội thảo có trên 50 đại biểu là bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên sau đại học ngành thần kinh, tâm thần các bệnh viện khu vực phía Nam tham gia.
Tổng số lượt truy cập: