01/08/2022 14:21
Theo Bộ Y tế, 70% người tử vong trên thế giới do nhiễm virus SARS-CoV-2 trên 60 tuổi, 62% là người có bệnh nền mạn tính. Nguyên nhân do người cao tuổi suy yếu hệ thống miễn dịch, sức đề kháng giảm so các nhóm tuổi. Từ đó, virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp. Bệnh này tương tác với các bệnh mạn tính ở người cao tuổi khiến việc điều trị phức tạp hơn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế đưa ra các lời khuyên để bảo vệ người cao tuổi khỏi nguy cơ nhiễm COVID-19 như người cao tuổi phải đi khám định kỳ; kiểm soát bệnh nền, bệnh mạn tính sẵn có; giữ sức khỏe ổn định đề phòng trường hợp biến chứng nếu nhiễm virus. Người cao tuổi mắc những bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch, gan, thận và các bệnh về hô hấp khi nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng nặng hơn dẫn đến suy hô hấp, suy gan, suy thận…
Bên cạnh khuyến cáo của ngành y tế cho mọi người trong mùa dịch, người cao tuổi không được chủ quan. Người cao tuổi chú ý rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ; giữ sạch mũi, họng, giữ ấm cổ; luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc ở nơi đông người. Duy trì thói quen tốt gồm ngủ đủ giấc, ăn chín, uống chín và tập thể dục. Tập thể dục có thể giúp tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, giảm viêm, đem lại lợi ích sức khỏe tinh thần và cảm xúc.
Người cao tuổi cần giữ khoảng cách với người bệnh, tránh xa đám đông, hạn chế thời gian ra ngoài nơi công cộng, khi phải ra ngoài cố gắng giữ khoảng cách với người khác. Trường hợp dịch bùng phát tại cộng đồng nơi đang sống, người cao tuổi phải ở nhà. Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia khuyên người người cao tuổi nên cách ly với xã hội.
Người cao tuổi đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang khám bệnh, tuân thủ đeo khẩu trang phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: MI NI
Để khắc phục những mặt cô lập về xã hội đối với người cao tuổi, các chuyên gia tư vấn nên hướng dẫn người cao tuổi cách sử dụng Facebook, Zalo… để có phương tiện nói chuyện với gia đình và bạn bè qua mạng. Việc người cao tuổi nắm được thông tin diễn biến về dịch bệnh COVID-19, biết điều gì đang xảy ra là quan trọng nhưng không dành cả ngày để xem tin tức, điều này có thể dẫn đến lo lắng thái quá không cần thiết. Người cao tuổi chỉ nên xem cập nhật tin tức buổi sáng, sau đó kiểm tra tin tức một lần vào buổi tối.
Người cao tuổi thường yếu thế hơn trong khả năng chống chọi với các loại dịch bệnh. Tại các nước cho thấy, đa phần số người bị nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2 là người cao tuổi. Tại Việt Nam, khi không có dịch, nhiều người cao tuổi tham gia các hoạt động cộng đồng. Trước tình trạng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người cao tuổi nên tránh những hoạt động đông người cũng như nhắc nhở con cháu tránh hoạt động tập trung đông người.
Theo Hội Người cao tuổi Việt Nam, điều tra dân số năm 2019 cho thấy Việt Nam có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, trong đó có khoảng 2 triệu người trên 80 tuổi đang cần sự quan tâm cao trong việc chống dịch. Tại Kiên Giang, theo tổng hợp từ kho dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số, toàn tỉnh có 192.508 người cao tuổi; trong đó 48.783 người cao tuổi từ 70 - 79 tuổi, 31.431 người trên 80 tuổi. Người cao tuổi trên 80 tuổi là đối tượng dễ bị lây nhiễm và khó điều trị nhất do những nguyên nhân nêu trên.
Vì sức khỏe của người cao tuổi và cộng đồng, gia đình và các ngành liên quan cần quan tâm và hướng dẫn người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng ý thức thực hiện tốt khuyến cáo của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, góp phần cùng ngành y tế và chính quyền các cấp chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
THANH DŨNG
(KGO) - Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến người bệnh tàn phế hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu người bệnh kiểm soát tốt đường huyết thì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm các biến chứng để duy trì sức khỏe ổn định như người bình thường.
Tổng số lượt truy cập: