01/08/2022 14:21
Sau thời gian tình hình dịch bệnh tạm lắng, tỉnh Kiên Giang ghi nhận các trường hợp mắc bệnh COVID-19, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Ngoài ra, tỉnh ghi nhận trường hợp liên quan đến bệnh nhân COVID-19 nhập cảnh trái phép từ Campuchia về TP. Phú Quốc…
Theo Sở Y tế Kiên Giang, đến ngày 5-4, toàn tỉnh ghi nhận 20 trường hợp mắc COVID-19; trong đó điều trị khỏi 18 trường hợp, 2 trường hợp mắc COVID-19 đang điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên. Hiện toàn tỉnh cách ly tập trung trên 500 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú trên 250 trường hợp. Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên 13.700 người…
Thời gian tới, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, để đảm bảo sức khỏe, mọi người cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang phối hợp Trung tâm Y tế huyện Châu Thành khám bệnh miễn phí, giúp người dân phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, duy trì chất lượng cuộc sống.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Nam - Trưởng Phòng Nghiệp vụ y dược Sở Y tế khuyến cáo: “Để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả không chỉ có nỗ lực của ngành y tế và các đơn vị liên quan mà yếu tố quyết định là ý thức của mỗi người dân. Trước tiên, người dân phải tuân thủ phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế để chung sống an toàn với dịch bệnh. Đồng thời, khi phát hiện khu vực gần nhà xuất hiện người lạ hoặc người đi vắng lâu ngày trở về địa phương phải báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế để điều tra, xác minh”.
Bên cạnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19, người dân cần thay đổi thói quen không tốt, phòng, chống bệnh tật, nhất là những bệnh không lây nhiễm. Tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, mỗi năm có trên 10.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh ung thư, trong đó có trên 2.000 bệnh nhân ung thư điều trị nội trú. Các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường đang gia tăng và ngày càng trầm trọng.
Theo chương trình khám sàng lọc và quản lý bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho thấy, từ năm 2005-2019, tỷ lệ phát hiện người mắc bệnh đái tháo đường trên địa bàn tỉnh qua khám sàng lọc trên 8%, tỷ lệ phát hiện người mắc bệnh tăng huyết áp qua khám sàng lọc trên 25% (từ năm 2007-2019).
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các bệnh không lây nhiễm do chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, sử dụng nhiều bia, rượu và ít vận động… Nếu các bệnh này phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời và thường xuyên dẫn đến các biến chứng nguy hiểm lên các bộ phận khác của cơ thể, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân”.
Năm 1948, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần đầu tiên tổ chức hội nghị y tế thế giới. Hội nghị này quyết định bắt đầu từ năm 1950 lấy ngày 7-4 hàng năm làm ngày sức khỏe thế giới. Ngày sức khỏe thế giới ra đời để kỷ niệm việc thành lập WHO nhằm lan tỏa thông điệp nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe đối với mỗi người. |
Hơn 10 năm nay, bà Đặng Thị Cục, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) mắc bệnh tăng huyết áp nhưng chưa ghi nhận biến chứng nguy hiểm. “Hàng tháng, tôi đi khám bệnh và uống thuốc mỗi ngày theo toa của bác sĩ. Ngoài ra, mỗi buổi sáng tôi đi bộ khoảng 30 phút, hạn chế ăn mặn, giữ tinh thần thoải mái. Hiện sức khỏe tôi ổn định, huyết áp không tăng nhưng tôi cũng không chủ quan và tự ý bỏ thuốc”, bà Cục nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, để phòng ngừa bệnh tật và bảo vệ sức khỏe không gì hơn là mỗi người phải tự rèn luyện cho mình thói quen tốt: Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn thức ăn nhanh, thức ăn chế biến, đóng gói sẵn vì các thức ăn này đa số chứa hàm lượng chất béo, muối cao gây tăng cân, béo phì; không sử dụng thường xuyên nước ngọt đóng chai, rượu, bia, nói không với thuốc lá. Áp dụng các phương pháp luyện tập thể dục, thể thao phù hợp sức khỏe của mỗi người…
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến người bệnh tàn phế hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu người bệnh kiểm soát tốt đường huyết thì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm các biến chứng để duy trì sức khỏe ổn định như người bình thường.
Tổng số lượt truy cập: