02/04/2025 23:12
TỬ VONG GẦN 100%
Năm 2024, cả nước ghi nhận 88 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 6 trường hợp so năm 2023. Kiên Giang ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại, không tăng so năm 2023. Đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm.
Theo bác sĩ Đỗ Thanh Bình - Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, mùa nắng nóng bệnh dại có nguy cơ tăng do thời tiết nóng bức khiến động vật, nhất là chó, mèo dễ bị căng thẳng và có xu hướng ra ngoài tìm kiếm thức ăn và nước uống. Điều này làm tăng nguy cơ tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh dại. Bên cạnh đó, con người và động vật có xu hướng tiếp xúc nhiều hơn khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Nếu không cẩn thận, những người này có thể bị cắn hoặc tiếp xúc với động vật mang mầm bệnh dại. Người dân không được chủ quan đối với bệnh dại vì khi lên cơn dại tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Người dân tiêm ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Bác sĩ Đỗ Thanh Bình cho biết: “Phần lớn ổ chứa virus dại tập trung ở loài chó hoang dã và chó nhà. Ngoài ra còn có ở mèo, chồn, dơi và những loài động vật máu nóng khác. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong”.
Theo Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Tuy nhiên, có trường hợp thời gian ủ bệnh dài hơn. Năm 2017 tỉnh ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện An Biên, thời gian ủ bệnh đến 1 năm. Sau khi bị chó cắn, không đi tiêm ngừa kịp thời. Sau 1 năm, bệnh nhân mới lên cơn dại và tử vong.
PHÒNG BỆNH BẰNG VACCINE
Theo bác sĩ Đỗ Thanh Bình, tuy bệnh dại rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng được bằng việc tiêm vaccine kịp thời. Khi bị chó, mèo hoặc các động vật khác cắn, cào có vết thương trên da người dân nên đến các cơ sở y tế tiêm vaccine phòng dại là cách phòng bệnh tốt nhất. Khi bị chó, mèo cắn, cào hoặc bị liếm vào vùng da bị tổn thương, người dân rửa sạch ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng liên tục trong vòng 15 phút, nếu không có xà phòng thì dùng những thứ có sẵn trong nhà như dầu gội đầu, sữa tắm, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn iod.
“Không tự ý bóp nặn máu tại vết thương và hạn chế việc khâu, rạch, băng kín vết thương. Tuyệt đối không tự chữa bệnh theo phương pháp dân gian, không đắp, rắc lá thuốc vào vết thương, không đến thầy lang chữa bệnh dại. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vaccine phòng dại kịp thời vì tiêm vaccine là biện pháp duy nhất để phòng bệnh dại”, bác sĩ Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, những năm gần đây ý thức của người dân trong việc tiêm phòng bệnh dại được nâng lên. Trung bình mỗi tháng có khoảng 300 trường hợp đến tiêm phòng bệnh dại tại trung tâm. Đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm ngừa phòng bệnh dại, ông Phạm Văn Tâm, ngụ phường Vĩnh Hiệp (TP. Rạch Giá) nói: “Tôi nuôi mèo để đuổi chuột, thường ngày hay đùa giỡn nhưng hôm trước tôi bị nó cắn vào tay. Dù mèo nhà cắn nhưng tôi vẫn đi tiêm ngừa cho yên tâm”.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn chủ quan, không đi tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn hoặc để vết thương nhiễm trùng mới đến tiêm ngừa. Từ năm 2021-2024, trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận các trường hợp tử vong đáng tiếc do bệnh dại. Để thực hiện tốt công tác phòng bệnh dại không chỉ riêng ngành y tế mà cần sự tham gia của ngành thú y trong việc tăng cường tiêm vaccine phòng dại cho chó nuôi và thú cưng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người đến tiêm ngừa dại đặc biệt chú ý: Phải tiêm ngừa đủ liều, đúng ngày theo hướng dẫn của cán bộ tiêm ngừa. Không dùng thuốc Corticoide liều cao kéo dài, thuốc nội tiết tố (ACTH) trong 6 tháng nếu không thật sự cần thiết. Nếu có triệu chứng bất thường phải báo ngay với cơ sở tiêm ngừa. Khi con vật cắn người, nếu con vật còn sống phải theo dõi con vật trong 15 ngày. Trong thời gian theo dõi không được đem con vật đi tiêm ngừa dại. Nếu trong thời gian theo dõi mà con vật chết, chạy mất hoặc bị dại, phải báo ngay với cơ sở tiêm ngừa để quyết định cách điều trị.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Về tổ chức phân luồng sàng lọc, thu dung, cách ly, điều trị bệnh sởi, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi...
Tổng số lượt truy cập: