10/05/2023 10:28
Từ đầu năm 2023 đến ngày 23-4, tỉnh Kiên Giang ghi nhận 76 ca mắc COVID-19 tại các địa phương; từ ngày 10 đến ngày 16-4-2023, tỉnh không ghi nhận ca mắc. Tuy nhiên, từ ngày 17-4 đến nay, tỉnh ghi nhận trên 350 ca mắc COVID-19, trong đó riêng 4 ngày (từ ngày 4 đến 7-5) ghi nhận 169 ca mắc COVID-19.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Chung Tấn Thịnh nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, số ca mắc trong cộng đồng và nguy cơ tử vong có thể tăng do một số nguyên nhân như mầm bệnh đã và đang lưu hành trên toàn thế giới, không thể bóc tách hoàn toàn khỏi cộng đồng.
Biến thể Omicron lây lan nhanh chiếm chủ đạo trong cộng đồng và nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể phụ và biến thể mới. Người dân chủ quan, không thực hiện thông điệp “2K” (khẩu trang, khử khuẩn). Hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 giảm theo thời gian…
Trung tâm Thu dung, điều trị COVID-19 tỉnh Kiên Giang bố trí ê kíp đảm bảo công tác trực, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Hiện Trung tâm Thu dung, điều trị COVID-19 tỉnh Kiên Giang điều trị 37 ca mắc COVID-19, đều là người lớn tuổi có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, di chứng tai biến mạch máu não…, trong đó có 3 trường hợp suy thận mạn tính phải lọc thận thường xuyên, 1 trường hợp thở máy.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Thu dung, điều trị COVID-19 tỉnh Kiên Giang cho biết sau thời gian nghỉ lễ, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 đến trung tâm điều trị tăng, trung bình tiếp nhận 5 ca/ngày. Trung tâm bố trí 3 ê kíp, mỗi ê kíp có 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng luân phiên trực 24/24 giờ để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
Đầu tháng 4-2023 đến nay, chưa ghi nhận trường hợp tử vong tại trung tâm nhưng bệnh nhân COVID-19 tại đây đều là người lớn tuổi có nhiều bệnh nền, nguy cơ tử vong cao. Do đó, người dân không nên chủ quan, nhất là người lớn tuổi hạn chế đến nơi đông người và tiêm vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đồng chí Chung Tấn Thịnh cho biết: Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc phù hợp thực tế, đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân trên địa bàn, thực hiện nghiêm quy định về giá, nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi…
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và người thân, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, phụ nữ có thai… cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh, thực hiện thông điệp “2K” và tiêm vaccine phòng COVID-19. Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh, người dân đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.
Bài và ảnh: NHƯ MAI
(KGO) - Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến người bệnh tàn phế hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu người bệnh kiểm soát tốt đường huyết thì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm các biến chứng để duy trì sức khỏe ổn định như người bình thường.
Tổng số lượt truy cập: