13/03/2024 09:59
Theo nhận định của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, số ca mắc và số ca tử vong các bệnh truyền nhiễm năm 2023 trên địa bàn tỉnh giảm so năm 2022 như bệnh sốt xuất huyết giảm 51,5%, bệnh COVID-19 giảm 98%, chưa ghi nhận bệnh truyền nhiễm cúm A (H5N1)… Bên cạnh đó, tỉnh giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, uốn ván sơ sinh trong nhiều năm; không để các dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên địa bàn như tả, dịch hạch, than, Leptospira...
Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm tăng so năm 2022 như bệnh tay chân miệng, viêm gan virus, cúm mùa, sốt phát ban, lỵ trực trùng, quai bị… trong đó, năm 2023 bệnh tay chân miệng ghi nhận 3.696 ca, tăng gấp 3 lần so năm 2022 (1.219 ca), có 6 trường hợp tử vong. Đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp bệnh đậu mùa khỉ, trong đó tử vong 1 trường hợp.
Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá (Kiên Giang) tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm trường nhằm phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trúc Giang - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Kiên Giang nhận định thời tiết diễn biến phức tạp tạo điều kiện cho véc tơ truyền bệnh phát triển, môi trường sống ô nhiễm, công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương còn chủ quan, ý thức của một số người dân chưa cao... là một số nguyên nhân làm cho tình hình bệnh truyền nhiễm có thể gia tăng.
Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; đô thị hóa và di dân tạo điều kiện thuận lợi để dịch bùng phát; làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch; sự xuất hiện các biến chủng mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch bệnh khó dự báo.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số ca mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm, không để xâm nhập vào Việt Nam.
Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về phòng, chống dịch bệnh. Bảo đảm hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trúc Giang cho biết: “Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất, nguồn lực sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến; tăng cường năng lực, đảm bảo trang bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị và vật tư y tế cho hệ thống y tế dự phòng theo tiêu chuẩn để đảm bảo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, duy trì tỷ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh COVID-19 đạt được miễn dịch cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm thực hiện kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025”.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, trung tâm phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 2 cho các huyện, thành phố triển khai tiêm liều nhắc lại cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên (ngoại trừ 6 đơn vị không đăng ký vaccine là Châu Thành, Gò Quao, Giang Thành, Kiên Lương, An Minh và TP. Hà Tiên).
Thời gian tới, trung tâm tiếp tục giám sát các huyện, thành phố có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao, xuất hiện ổ dịch mới sẽ tiến hành phun hóa chất chủ động diện rộng và chiến dịch diệt lăng quăng; theo dõi sát tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn toàn tỉnh để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Đối với bệnh đậu mùa khỉ, trung tâm tiếp tục tham mưu Sở Y tế tỉnh Kiên Giang triển khai hướng dẫn công tác dự phòng cho các tuyến trong toàn tỉnh; tăng cường công tác truyền thông cho người dân về biện pháp phòng, nhận biết dấu hiệu của bệnh, nếu có nghi ngờ đến ngay cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời. Khi phát hiện ca bệnh phải kịp thời xử lý, điều tra dịch tễ, truy vết theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Chiều 11-11, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phối hợp Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học các biến chứng tâm thần, thần kinh hậu COVID-19 và kết quả điều trị tại tỉnh. Hội thảo có trên 50 đại biểu là bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên sau đại học ngành thần kinh, tâm thần các bệnh viện khu vực phía Nam tham gia.
Tổng số lượt truy cập: