15/03/2023 09:32
Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay Campuchia ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Đây là những ca bệnh cúm A/H5N1 trên người mới nhất tại Campuchia từ năm 2014.
Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng mở rộng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người rất lớn, nhất là các tỉnh có đường biên giới giáp các quốc gia đang có dịch.
Bên cạnh đó, thời tiết nước ta đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, các hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Việt Nam ghi nhận ca nhiễm cúm A/H5N1 trên người đầu tiên tại tỉnh Phú Thọ kể từ năm 2014 đến nay.
Người dân khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá (Kiên Giang) được bác sĩ tư vấn điều trị bệnh và lồng ghép tuyên truyền phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây sang người.
Tại Kiên Giang, theo bác sĩ Chung Tấn Thịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đến nay tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, cơ bản các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi được kiểm soát. Tuy nhiên, Kiên Giang giáp biên giới Campuchia, di biến động dân cư lớn, giao thương nhiều, các hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
"Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động kiểm soát, phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường giám sát trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A/H5N1”, bác sĩ Chung Tấn Thịnh nói.
Ngành y tế Kiên Giang tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống; người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch.
Những trường hợp nghi ngờ kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm chẩn đoán xác định. Nếu phát hiện ca bệnh phải quản lý, cách ly điều trị và xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bệnh lây ra cộng đồng; đồng thời đảm bảo sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai biện pháp xử lý ổ dịch.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi. Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở liên quan đến gia cầm người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. |
Bác sĩ Trần Văn Hội - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá cho biết: “Phòng khám đa khoa khi tiếp nhận bệnh nhân lưu ý trường hợp sốt, ho, đau ngực, khó thở... điều tra dịch tễ tiền sử có tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc đi, đến từ vùng có dịch cúm A/H5N1. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời”.
Ngoài việc tiếp nhận điều trị bệnh, Phòng khám Đa khoa Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá còn lồng ghép tuyên truyền tình hình bệnh cúm A/H5N1 để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh.
Bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Nga - Trưởng Phòng khám Đa khoa Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá cho biết: “Bệnh nhân đến khám bệnh chủ yếu liên quan đến các bệnh lý về hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… còn lại liên quan đến bệnh về đường tiêu hóa, thoái hóa khớp và các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường. Đối với bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, khó thở... bác sĩ điều tra dịch tễ, tiền sử bệnh và chưa phát hiện trường hợp nghi ngờ bệnh cúm gia cầm lây sang người”.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Chiều 11-11, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phối hợp Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học các biến chứng tâm thần, thần kinh hậu COVID-19 và kết quả điều trị tại tỉnh. Hội thảo có trên 50 đại biểu là bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên sau đại học ngành thần kinh, tâm thần các bệnh viện khu vực phía Nam tham gia.
Tổng số lượt truy cập: