22/02/2023 13:43
5 NGƯỜI TỬ VONG DO BỆNH DẠI
Năm 2022, toàn tỉnh Kiên Giang ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại (3 trường hợp tại huyện An Minh, 1 trường hợp huyện Tân Hiệp, 1 trường hợp tại huyện U Minh Thượng), tăng 4 trường hợp so cùng kỳ năm 2021.
Đầu năm 2023 đến nay, Kiên Giang chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại, tuy nhiên số người dân đến tiêm ngừa dại do chó, mèo cắn có chiều hướng tăng. Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, trung bình mỗi tháng có 300 trường hợp đến tiêm ngừa dại.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Hận cho biết: “Phần lớn người dân đến tiêm ngừa bệnh dại do chó cắn. Việc tiêm ngừa sau khi bị chó, mèo hoặc động vật máu nóng cắn, cào, liếm là rất cần thiết vì đây là biện pháp duy nhất để phòng bệnh dại. Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại là không tiêm ngừa kịp thời. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong”.
Người dân đến Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tiêm ngừa bệnh dại sau khi bị chó cắn.
Theo Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh ở người thông thường từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
KHÔNG CHỮA BỆNH THEO DÂN GIAN
Đến tiêm ngừa bệnh dại tại Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), anh Trần Văn Quyền, ngụ ấp Đập Đá, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp chia sẻ: “Tôi bị chó nhà cắn, tuy vết thương không sâu nhưng tôi vẫn đến trung tâm y tế tiêm ngừa cho yên tâm vì không biết chó nhà nuôi có virus dại không. Tôi được hướng dẫn tiêm 5 mũi, hiện đã tiêm được 3 mũi và sẽ tiêm đầy đủ”.
Theo bác sĩ Trần Hưng Vĩnh Liêm - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp, ý thức người dân về chủ động phòng bệnh dại nâng lên. Lúc trước, người dân đến tiêm phòng khi có vết thương sâu, chảy máu nhiều; thậm chí có người sử dụng thuốc nam, các bài thuốc dân gian làm cho vết thương sưng, nhiễm trùng mới đến cơ sở y tế. Hiện đa số người dân khi bị chó, mèo cắn đều đến cơ sở y tế để tiêm ngừa đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.
“Tuy bệnh dại rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng được bằng việc tiêm ngừa vaccine”, bác sĩ Nguyễn Hoài Hận - Phòng Khám đa khoa/chuyên khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang khẳng định.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Hận khuyến cáo người khi bị chó, mèo cắn, cào, hoặc bị liếm vào vùng da bị tổn thương phải thực hiện ngay các biện pháp sau: Rửa sạch ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng liên tục trong vòng 15 phút, nếu không có xà phòng thì dùng những thứ có sẵn trong nhà như dầu gội đầu, sữa tắm sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn iod. Không tự ý bóp nặn máu tại vết thương và hạn chế khâu, rạch, băng kín vết thương.
Người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa bệnh theo phương pháp dân gian, không đắp, rắc lá thuốc vào vết thương, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vaccine phòng dại kịp thời.
Để thực hiện tốt công tác phòng bệnh dại không chỉ ngành y tế mà cần sự tham gia của ngành thú y trong việc tăng cường tiêm vaccine phòng dại cho chó nuôi, mèo, thú cưng. Đồng thời, người dân khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng đầy đủ, dùng xích hoặc chuồng để nhốt; hạn chế cho trẻ, người lạ tiếp xúc với chó, mèo nhất là vào mùa nắng nóng.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Chiều 11-11, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phối hợp Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học các biến chứng tâm thần, thần kinh hậu COVID-19 và kết quả điều trị tại tỉnh. Hội thảo có trên 50 đại biểu là bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên sau đại học ngành thần kinh, tâm thần các bệnh viện khu vực phía Nam tham gia.
Tổng số lượt truy cập: