16/08/2023 09:53
Trước đây, 100% bệnh nhân bị gãy xương đến Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng đều phải chuyển lên tuyến trên, tốn nhiều thời gian và chi phí điều trị. Thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Trung tâm Y tế huyện chuẩn bị mọi điều kiện tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật ngoại khoa chấn thương chỉnh hình từ bệnh viện tuyến trên, đem đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân.
Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng đầu tư các trang thiết bị cho phòng phẫu thuật để phục vụ việc phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.
Năm 2018, Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng tạo điều kiện cho 1 bác sĩ học thạc sĩ chuyên ngành chấn thương chỉnh hình tại Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, trung tâm tiếp tục cử bác sĩ và 2 điều dưỡng viên đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tập huấn tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật về ngoại khoa chấn thương chỉnh hình.
Sau 3 tháng, ê kíp y bác sĩ cơ bản nắm được các kỹ thuật, bắt đầu triển khai thực hiện tại trung tâm. Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho việc triển khai các kỹ thuật ngoại khoa chấn thương chỉnh hình.
Năm 2021, Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng bắt đầu triển khai thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật kết hợp xương tại trung tâm.
Bác sĩ chuyên khoa II Hà Quốc Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Bước đầu chuyển giao, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trực tiếp đến trung tâm hướng dẫn, theo dõi sức khỏe từng bệnh nhân tạo được niềm tin cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở giai đoạn đầu. Đến nay, trung tâm làm chủ hơn 20 kỹ thuật phẫu thuật kết hợp xương chi trên, chi dưới, các xương lớn… Nhiều trường hợp gãy xương được điều trị tại huyện, giúp bệnh nhân giảm chi phí, thời gian điều trị, qua đó nâng cao chất lượng điều trị của trung tâm”.
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng thực hiện thành công trên 110 trường hợp phẫu thuật kết hợp xương cẳng tay, bàn tay, cẳng chân, bàn chân, xương đòn…
Được Trung tâm Y tế huyện tạo điều kiện đào tạo sau đại học chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, Thạc sĩ, bác sĩ Khương Anh Tấn cho biết: “Điều trị kết hợp xương là phương pháp điều trị gãy xương đang được áp dụng phổ biến, ưu điểm của phương pháp này là hiệu quả cao, ít biến chứng. Trung tâm làm chủ được kỹ thuật này giúp bệnh nhân sớm tiếp nhận điều trị, phục hồi sức khỏe. Hiện những trường hợp gãy xương phức tạp, gãy hở, có nguy cơ nhiễm trùng cao mới cần chuyển tuyến trên”.
Theo cha mẹ đi làm ở tỉnh Bình Dương, em Lê Huỳnh Gia Tưởng (13 tuổi), ngụ xã Ngọc Thuận (Giồng Riềng) bị ngã gãy 2 xương cẳng tay, được cơ sở y tế bó bột tạm thời sau đó đưa đến Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng điều trị.
Chị Huỳnh Thị Kiều Thương - mẹ của Tưởng chia sẻ: “Được bác sĩ tư vấn con tôi bó bột không tự lành, phải phẫu thuật nắn, kết hợp xương để phục hồi tốt chức năng tay nên tôi đưa con về Trung tâm Y tế huyện điều trị để tiện chăm sóc, giảm chi phí điều trị. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe con tôi dần phục hồi, các bác sĩ chăm sóc tận tình”.
Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng tiếp tục tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật mới về chấn thương chỉnh hình như nội soi khớp, thay khớp…
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Chiều 11-11, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phối hợp Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học các biến chứng tâm thần, thần kinh hậu COVID-19 và kết quả điều trị tại tỉnh. Hội thảo có trên 50 đại biểu là bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên sau đại học ngành thần kinh, tâm thần các bệnh viện khu vực phía Nam tham gia.
Tổng số lượt truy cập: