04/10/2023 14:21
Gần 1 tháng trở lại đây, bệnh đau mắt đỏ ở Kiên Giang tăng, nhất là ở những nơi tập trung đông người. Tại phòng khám mắt, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, bệnh nhân đau mắt đỏ tăng đột biến trong vài tuần trở lại đây, mỗi ngày ghi nhận từ 10-20 ca.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân - phòng khám mắt, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng. Triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.
"Đến nay, bệnh chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bị đau mắt đỏ có thể bị bệnh lại sau vài tháng khỏi bệnh. Đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng", Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ.
Bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám bệnh tại phòng khám mắt, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Đến khám mắt tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, anh Nguyễn Văn Nam, ngụ xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp cho biết: “Cách đây 4 ngày, tôi thấy một bên mắt đỏ, có ghèn, cộm, sau đó lan sang mắt còn lại. Tôi mua thuốc uống, thuốc nhỏ mắt nhưng không giảm nên đến bệnh viện khám để được bác sĩ tư vấn, kê toa điều trị... ”.
Theo Bác sĩ Nguyễn Trúc Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang các đơn vị trực thuộc sở đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân về đặc điểm và cách phòng bệnh đau mắt đỏ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người nghi ngờ mắc hoặc mắc bệnh cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm để tránh lây nhiễm. Đồng thời, đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.
Đến ngày 2-10, TP. Rạch Giá ghi nhận 2.455 ca bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên theo Bác sĩ Trần Văn Hội - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá số liệu trên chưa phản ánh hết số ca bệnh đau mắt đỏ mắc trong cộng đồng do nhiều người khi mắc bệnh tự mua thuốc điều trị, không đến cơ sở y tế. Hầu hết các điểm trường đều ghi nhận ca bệnh đau mắt đỏ.
Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, nhất là trong trường học, Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá các trạm y tế xã, phường và các cơ sở giáo dục lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh các biện pháp phòng tránh và đưa người bệnh đi khám chuyên khoa mắt để điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân khuyến cáo, khi bị mắc bệnh đau mắt đỏ cần lau rửa ghèn, rỉ mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ, không sử dụng lại; không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn; tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt. Trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh...
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến người bệnh tàn phế hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu người bệnh kiểm soát tốt đường huyết thì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm các biến chứng để duy trì sức khỏe ổn định như người bình thường.
Tổng số lượt truy cập: