06/02/2023 16:19
Trung bình tại Phòng khám Đa khoa Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá (Kiên Giang) tiếp nhận khám khoảng 500 bệnh nhân/ngày. Những ngày sau tết trở lại đây, lượng bệnh nhân đến khám tăng khoảng 600-700 bệnh nhân/ngày.
Bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Nga - Trưởng Phòng khám Đa khoa Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá cho biết: “Bệnh nhân đến khám chủ yếu liên quan đến các bệnh lý về hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… chiếm khoảng 40%, còn lại liên quan đến bệnh về đường tiêu hóa, thoái hóa khớp và các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… khám theo lịch hẹn của bác sĩ”.
Đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá, ông Nguyễn Văn Hảo, ngụ phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá chia sẻ: “Sáng ngủ dậy tôi bị đau cánh tay không cử động mạnh được, cơ thể uể oải, đau nhức nên đi khám bệnh. Bác sĩ nói tôi bị thoái hóa khớp, cho thuốc uống và dặn về nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng, giữ ấm khi thời tiết lạnh”.
Người dân đến khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá (Kiên Giang).
Tính tuần đầu sau tết (từ ngày 27-1 đến 2-2-2023), Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang tiếp nhận trên 7.500 lượt bệnh nhân, tăng trên 5.000 lượt bệnh nhân trong những ngày tết và trung bình tăng khoảng 100 bệnh nhân/ngày so ngày bình thường.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, cũng như mọi năm sau những ngày nghỉ tết bệnh nhân đến khám bệnh sẽ tăng hơn so ngày thường với nhiều nguyên nhân. Sau tết, có những ngày lạnh dẫn đến các bệnh về hô hấp; những bệnh mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp… dễ tái phát.
Việc ăn uống không kiểm soát vào ngày tết khiến quá trình hấp thụ và chuyển hóa của hệ tiêu hóa quá tải, làm cho dạ dày dễ kích ứng, khó tiêu dẫn đến các bệnh lý tiêu hóa. Một số bệnh nhân chấn thương trong ngày tết, quay lại tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Nhiều người dân chủ động đến kiểm tra sức khỏe sau tết để phòng ngừa các bệnh lý và bảo vệ sức khỏe của bản thân. Ngoài ra, một số người dân có triệu chứng bệnh nhẹ nhưng tâm lý không muốn đến bệnh viện ngày tết, đợi sau tết mới đến khám.
Có tiền sử bệnh tăng huyết áp khoảng 3 năm, cộng với thời tiết thay đổi thất thường thời gian gần đây, ông Trần Văn Phúc, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá thấy huyết áp không ổn định nên đến bệnh viện khám.
Ông Phúc nói: “Từ khi phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp, tôi duy trì uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ. Tuy nhiên, khi thời tiết thay đổi đột ngột sức khỏe tôi không tốt, huyết áp không ổn định tôi đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn và điều chỉnh thuốc kịp thời. Vì tôi sợ huyết áp không ổn định sẽ gây ra nhiều biến chứng, nhất là có thể dẫn đến đột quỵ”.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, điều đáng lo ngại là việc xen lẫn triệu chứng của bệnh cảm cúm và bệnh COVID-19, người dân khó nhận biết. Cùng với sự chủ quan của nhiều người dân đối với bệnh COVID-19, không có biện pháp cách ly, điều trị có thể làm gia tăng tỷ lệ mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Để đảm bảo sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Văn Hùng khuyến cáo người dân chủ động tiêm vaccine phòng ngừa nhiễm bệnh hô hấp, trong đó có vaccine phòng COVID-19 đầy đủ; giữ khoảng cách với những người có biểu hiện bị bệnh đường hô hấp; đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người. Bên cạnh đó, cần thường xuyên rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn hoặc bằng xà phòng. Hằng ngày nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục hợp lý.
Người dân, nhất là người cao tuổi thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi và ngay khi cơ thể có những thay đổi nhẹ hoặc huyết áp tăng cao bất thường đến cơ sở khám bệnh kịp thời; tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, mặc quần áo ấm phù hợp khi đi ra ngoài…
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến người bệnh tàn phế hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu người bệnh kiểm soát tốt đường huyết thì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm các biến chứng để duy trì sức khỏe ổn định như người bình thường.
Tổng số lượt truy cập: