17/02/2025 09:41
Bệnh nhân T.H.T 18 tuổi, ngụ xã Thới Quản, huyện Gò Quao đang điều trị, theo dõi bệnh sởi tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang trong tình trạng sốt, phát ban, mệt mỏi. “Trước khi nhập viện khoảng 5 ngày, tôi bị sốt từng cơn, ho khan, uống thuốc nhưng không giảm, sau đó thấy mặt phát ban, lan xuống cổ, sốt lạnh run nên đến bệnh viện khám và được bác sĩ cho nhập viện điều trị cách ly, theo dõi bệnh sởi. Hiện sức khỏe tôi ổn định, giảm sốt và ho”, bệnh nhân T nói.
Ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, 6 tháng cuối năm 2024 ghi nhận 20 ca bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi. Tháng 1-2025, ghi nhận 9 ca; 13 ngày đầu tháng 2-2025 ghi nhận 8 ca sốt phát ban nghi sởi với các triệu chứng đặc trưng sốt, ho, sổ mũi, chảy nước mắt, sau đó phát ban ở vùng mặt, lan xuống vùng cổ, bụng.
Bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi được theo dõi, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình - Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết: “Đầu năm 2025 đến nay, tình hình bệnh sốt phát ban nghi sởi ở người lớn nhập viện điều trị gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thuận lợi cho virus sởi phát triển, dễ lây lan qua đường hô hấp. Những người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc thời gian tiêm vaccine lâu, miễn dịch đã suy giảm dễ mắc bệnh”. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng bệnh sởi thường mắc ở trẻ nhỏ, người lớn có tâm lý chủ quan nên không đi tiêm ngừa và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh có đặc tính lây lan mạnh qua đường hô hấp, khi người lành hít phải các giọt bắn chứa virus của người bệnh. Bệnh chủ yếu mắc ở trẻ em và người lớn chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đủ mũi. Khi bị nhiễm virus sởi, thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 7-14 ngày. Sau thời gian này, những dấu hiệu phổ biến của bệnh sẽ xuất hiện.
Các triệu chứng bệnh sởi thường gặp ở người lớn như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, cơn sốt có thể kéo dài khoảng 4-7 ngày; viêm đường hô hấp như đau họng, ho khan, ngạt mũi, sổ mũi; viêm kết mạc mắt như đỏ mắt, cộm mắt, chảy nước mắt, sưng nề mi mắt, nhạy cảm với ánh sáng; phát ban sau 3-4 ngày bị sốt cao, các nốt ban mọc trên da theo thứ tự sau tai, sau gáy, mặt, trán, cổ, rồi lan dần xuống thân mình, ra đến tứ chi… Khi ban mọc hết toàn thân thì các cơn sốt cũng giảm…
Bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi được theo dõi, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.
Bác sĩ Trịnh Hoàng Tân - Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, người trực tiếp điều trị các trường hợp sốt phát ban nghi sởi cho biết: “Thông thường khi bệnh nhân có các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, mệt mỏi, phát ban mới đến cơ sở khám, nhập viện điều trị. Hầu hết bệnh nhân nhập viện điều trị khoảng 5 ngày, tình trạng sức khỏe ổn định. Các trường hợp điều trị tại bệnh viện thường biến chứng viêm phế quản, chưa ghi nhận trường hợp biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm màng não”.
Tuy nhiên, bệnh sởi ở người lớn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, động kinh, viêm não, ảnh hưởng trí tuệ… Biến chứng sởi chủ yếu gặp ở người sức khỏe yếu, mắc bệnh mạn tính, mắc bệnh suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc làm giảm miễn dịch. Nếu thai phụ mắc bệnh trong những tháng đầu của thai kỳ, nguy cơ biến chứng thai có thể gặp như sảy thai, sinh non, thai chết lưu, dị tật thai nhi, thai nhiễm sởi tiên phát, trẻ bị nhẹ cân…
Do đó, bác sĩ Trịnh Hoàng Tân khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả, người dân cần chủ động tạo miễn dịch cho cơ thể bằng cách tiêm vaccine ngừa sởi. Đồng thời, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Khi có triệu chứng như sốt, phát ban, mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị kịp thời.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang vừa điều trị thành công, cứu sống bệnh nhân Mon Chanh Hia 32 tuổi, ngụ tỉnh Kampot (Vương quốc Campuchia) mắc bệnh uốn ván biến chứng nặng.
Tổng số lượt truy cập: