22/11/2023 16:29
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 22/2023-TT-BYT, ngày 17-11-2023 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp đặc biệt.
Thông tư này cũng hướng dẫn giá khám bệnh, hội chẩn; giá dịch vụ ngày giường bệnh; giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm; bổ sung ghi chú của một số dịch vụ kỹ thuật.
Giá dịch vụ ngày giường bệnh bảo hiểm y tế cao nhất 867.500 đồng (bệnh viện hạng đặc biệt), thấp nhất là 64.100 đồng (trạm y tế xã). Mức giá này so với mức giá cũ tăng hơn 10%.
Các y, bác sĩ tư vấn, khám bệnh cho người dân trên địa bàn xã Thạnh Phước, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Ảnh: BÍCH THÙY
Cũng theo Thông tư này, giá dịch vụ ngày giường bệnh ngoại khoa, bỏng được áp dụng tối đa không quá 10 ngày sau một lần phẫu thuật. Từ ngày thứ 11 sau phẫu thuật trở đi thì áp dụng mức giá ngày giường nội khoa theo các khoa tương ứng được quy định tại Thông tư.
Giá dịch vụ ngày giường bệnh được tính cho 1 người/1 giường. Trường hợp ở cùng một thời điểm phải nằm ghép 2 người/1 giường thì chỉ được thanh toán 1/2 mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tương ứng. Trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên thì chỉ được thanh toán 1/3 mức giá ngày giường bệnh tương ứng.
Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp thì áp dụng mức bằng 50% giá dịch vụ ngày giường bệnh theo từng loại chuyên khoa quy định.
Bộ Y tế nêu rõ, trường hợp người bệnh vào viện và ra viện trong cùng một ngày (hoặc vào viện ngày hôm trước, ra ngày hôm sau) có thời gian điều trị trên 04 giờ đến dưới 24 giờ thì được tính là 1 ngày điều trị.
Trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khoa khám bệnh, có thời gian cấp cứu, điều trị từ 4 giờ trở xuống (kể cả trường hợp ra viện, vào viện hoặc chuyển viện, tử vong) được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, trang thiết bị y tế và các dịch vụ kỹ thuật, không thanh toán tiền ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu.
Trường hợp người bệnh vào viện và ra viện có thời gian điều trị từ 4 giờ trở xuống thì được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, trang thiết bị y tế và các dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh đã sử dụng, không được tính tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú.
Trường hợp trong cùng một ngày người bệnh chuyển 2 khoa thì mỗi khoa chỉ được tính 1/2 ngày. Trường hợp trong cùng một ngày người bệnh chuyển từ 3 khoa trở lên thì giá dịch vụ ngày giường bệnh hôm đó được tính bằng trung bình cộng tiền ngày giường bệnh tại khoa có thời gian nằm điều trị trên 4 giờ có mức giá tiền ngày giường bệnh cao nhất và tại khoa có thời gian nằm điều trị trên 4 giờ có mức giá tiền ngày giường bệnh thấp nhất.
Bộ Y tế nêu rõ, giá ngày giường điều trị nội trú như trên chưa bao gồm chi phí máy thở và khí y tế.
Đối với Bệnh viện hạng III, hạng IV hoặc chưa xếp hạng nhưng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện phẫu thuật loại đặc biệt: áp dụng mức giá dịch vụ ngày giường bệnh ngoại khoa cao nhất của bệnh viện nơi thực hiện dịch vụ đó.
Chẳng hạn như tại Bệnh viện A được phê duyệt thực hiện phẫu thuật loại đặc biệt: Nếu Bệnh viện được xếp hạng III thì được áp dụng mức giá dịch vụ ngày giường bệnh ngoại khoa sau phẫu thuật loại 1 của bệnh viện hạng III; nếu Bệnh viện được xếp hạng IV hoặc chưa xếp hạng thì được áp dụng mức giá dịch vụ ngày giường bệnh ngoại khoa sau phẫu thuật loại 1 của bệnh viện hạng IV.
Theo Thông tư 22/2023-TT-BYT, trường hợp người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nhưng có sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, Quỹ Bảo hiểm Y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng, người bệnh chi trả thêm phần ngoài phạm vi bảo hiểm y tế.
Trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở y tế, người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 2 chỉ tính 30% mức giá của một lần khám bệnh, mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh.
Theo TTXVN/Vietnam+
(KGO) - Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến người bệnh tàn phế hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu người bệnh kiểm soát tốt đường huyết thì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm các biến chứng để duy trì sức khỏe ổn định như người bình thường.
Tổng số lượt truy cập: