19/12/2024 06:16
Mùa đông xuân là thời điểm thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nguyên nhân do nhiệt độ lạnh, mưa nhiều, thời tiết ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các loại bệnh này dễ lây lan qua đường hô hấp, đường tiêu hóa nên dễ bùng phát thành dịch bệnh.
Dịp tết nhu cầu sử dụng thuốc tăng lên do các bệnh thông thường như cảm cúm, tiêu hóa, huyết áp... hoặc do tình trạng căng thẳng, thay đổi thói quen sinh hoạt. Do đó, việc đảm bảo thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh được ngành y tế chú trọng thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Nguyễn Trúc Giang cho biết, để đáp ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra mùa đông xuân và dịp tết, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai mua sắm thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, đảm bảo chất lượng và giá hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đảm bảo thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.
“Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, thuốc phòng, chống dịch bệnh, nhất là thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025, thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa đông xuân như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa”, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Nguyễn Trúc Giang cho biết.
Theo Sở Y tế, đầu tháng 12-2024 đến nay, tỉnh ghi nhận các bệnh tăng so tháng trước như lỵ trực trùng, thương hàn, tiêu chảy, sởi hoặc sốt phát ban nghi sởi… Từ đầu năm 2024 đến tháng 12-2024, tỉnh ghi nhận 859 ca bệnh sốt xuất huyết, 855 ca bệnh tay chân miệng. Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Tuy bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng được kiểm soát, nhưng một số bệnh truyền nhiễm có dấu hiệu gia tăng. Do đó, đơn vị đã thực hiện đấu thầu đảm bảo thuốc, vaccine, hóa chất… trong công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng”.
Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang đã thực hiện công tác đấu thầu và chuẩn bị tiếp nhận vaccine phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho người dân. Vaccine ngừa bệnh sốt xuất huyết (vaccine Qdenga) được Bộ Y tế cấp phép lưu hành đầu tiên tại Việt Nam. Đồng thời, tổ chức tập huấn triển khai vaccine rota cho trẻ em dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh, rota virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tiêu chảy, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus rota gây ra là vaccine thứ 11 được Bộ Y tế đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi. “Ngay khi tiếp nhận vaccine, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai ngay trên địa bàn toàn tỉnh để phòng ngừa bệnh hiệu quả cho trẻ em”, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh nói.
Đối với khối điều trị, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang yêu cầu người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm cung ứng thuốc có chất lượng phục vụ nhu cầu cấp cứu, khám, chữa bệnh tại cơ sở, tổ chức bán thuốc ban đêm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.
Các bệnh viện và trung tâm y tế huyện, thành phố phân công cán bộ chuyên trách trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ tết để theo dõi, nắm tình hình đảm bảo cung ứng thuốc. Các cơ sở kinh doanh dược triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ; tăng cường các biện pháp quản lý không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.
Thanh tra Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định chuyên môn về dược và các quy định về kinh doanh thuốc đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Nếu phát hiện trường hợp thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; các hành vi găm hàng, tăng giá… xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Bệnh viện Ung bướu tỉnh Kiên Giang vừa phẫu thuật thành công lấy khối u buồng trứng trái nặng 15kg cho bệnh nhân.
Tổng số lượt truy cập: