01/08/2022 14:19
TĂNG CƯỜNG THANH TRA, KIỂM TRA
Những ngày cận tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ người tiêu dùng mua sản phẩm kém chất lượng khó tránh khỏi. Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra từ tuyến tỉnh đến xã, phường, tập trung kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như rau, thịt, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, dịch vụ ăn uống… Đồng thời, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… trên phạm vi toàn tỉnh.
Người dân chọn thực phẩm tại Siêu thị Co.op mart Rạch Giá.
Tiến sĩ, bác sĩ Hà Văn Phúc - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang cho biết: “Các đoàn thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol. Quá trình kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời đảm bảo, tuân thủ tuyệt đối về phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.
Từ ngày 25-1 đến 5-2, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang tiến hành thanh tra an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán năm 2021 tại các địa bàn An Minh, Vĩnh Thuận, Châu Thành và TP. Phú Quốc. Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm TP. Rạch Giá thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Rạch Giá.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng - Quyền Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang cho biết: “Đoàn thanh tra, kiểm tra tập trung vào các nội dung: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm như cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia… và lấy mẫu kiểm nghiệm khi cần thiết”.
CHỌN THỰC PHẨM AN TOÀN
Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, việc chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm của người dân rất quan trọng. “Những ngày tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm của gia đình tôi nhiều hơn nhưng tôi không dự trữ nhiều thực phẩm vì sợ mất ngon. Tôi thường mua thực phẩm chỗ người quen hoặc mua trong siêu thị để đảm bảo an toàn thực phẩm”, bà Quách Thị Kim, ngụ phường An Hòa, TP. Rạch Giá nói.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng khuyến cáo người tiêu dùng, đối với rau quả tươi cần chọn loại có hình dáng bên ngoài nguyên vẹn, có màu sắc tự nhiên của rau quả. Người mua khi sờ, nắm rau quả có cảm giác nặng, chắc tay. Không chọn rau, quả dập, trầy xước, thâm nhũn ở cuống và cảnh giác các loại rau, quả quá phổng phao, có mùi lạ, các vết lấm tấm hoặc vết trắng…
Đối với thịt gia súc tươi: Thịt bám chặt vào thành xương, khi sờ, nắm khối thịt có cảm giác rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại vết bị lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Khi luộc, nấu thịt cho màu nước canh trong, mùi thơm của thịt, trên mặt có nổi một lớp mỡ vết to. Đối với thực phẩm bao gói sẵn thì sản phẩm không được rách, nát hay biến dạng, sản phẩm phải có đủ nhãn mác với các nội dung: Tên thực phẩm, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng và xuất xứ của hàng hóa…
Nhân viên Siêu thị Coop.mart Rạch Giá sắp xếp hàng hóa, thực phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Người dân không nên mua thực phẩm ở những cửa hàng, quán hàng nhiều bụi, bẩn, ẩm ướt, nóng, nắng, ở những nơi bày bán lẫn lộn hóa chất, xà phòng, bột giặt, mỹ phẩm, xăng, dầu, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật... Lưu ý không giữ thức ăn quá lâu, kể cả trong tủ lạnh.
Bài và ảnh: KHÁNH LAM
(KGO) - Hơn 300 công nhân, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn huyện An Minh tham gia hiến 203 đơn vị máu.
Tổng số lượt truy cập: