02/01/2025 10:29
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, diễn biến khó lường, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biến chứng của bệnh này rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu thông qua vết đốt của muỗi vằn Aedes aegypti có mang virus. Người lớn và trẻ em đều có thể mắc sốt xuất huyết. Trước đây, phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt.
Tháng 5-2024, Bộ Y tế cấp phép sử dụng vaccine Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất tại Đức. Đây là vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam. Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang đấu thầu đợt đầu tiên với 100 liều vaccine và triển khai tiêm phòng bệnh sốt xuất huyết rộng rãi đến người dân.
Người dân đến tiêm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết: “Vaccine được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn với phác đồ tiêm 2 mũi, cách nhau 3 tháng. Vaccine có khả năng phòng ngừa cả 4 tuýp huyết thanh của virus gây bệnh sốt xuất huyết gây bệnh với hiệu quả trên 80% và ngăn ngừa trên 90% nguy cơ nhập viện do bệnh. Tính đến nay, vaccine Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết được cấp phép sử dụng cho người dân trên 40 quốc gia”.
Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết được tiêm dịch vụ công với giá 994.000 đồng/liều. Anh Dương Minh Diễn, ngụ phường An Hòa (TP. Rạch Giá) cho biết: “Gia đình tôi có người thân mất do bệnh sốt xuất huyết và có cháu nhỏ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng, nhập viện điều trị nhiều ngày mới qua khỏi. Nay có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, tôi rất mừng. Sau khi biết thông tin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, gia đình tôi gồm 4 người đã tiêm vaccine đầy đủ để có kháng thể bảo vệ bản thân”.
Vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết hoạt động bằng cách kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể đặc hiệu đối với các thành phần kháng nguyên của 4 tuýp huyết thanh virus Dengue đã được làm giảm độc lực. Virus này không còn khả năng gây bệnh nhưng vẫn đủ khả năng kích thích hệ miễn dịch.
Quá trình phản ứng giữa hệ miễn dịch và kháng nguyên trong vaccine sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể, từ đó xây dựng một hệ thống phòng thủ tự nhiên. Các kháng thể này tấn công và loại bỏ kháng nguyên của vaccine, đồng thời kích hoạt các tế bào trí nhớ miễn dịch để ghi nhớ quá trình này. Nhờ vậy, hệ miễn dịch có thể chủ động bảo vệ cơ thể chống lại cả 4 tuýp huyết thanh của virus Dengue, ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết nếu sau này bị muỗi mang virus tấn công.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh, hàng năm bình quân trên địa bàn tỉnh ghi nhận trên 1.000 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có nhiều trường hợp biến chứng nặng phải nhập viện điều trị nhiều ngày. Bên cạnh các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết truyền thống thì việc triển khai tiêm vaccine được xem là biện pháp y tế hữu hiệu giúp ngăn ngừa, đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng.
Vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết có khả năng phòng ngừa nguy cơ tái nhiễm cho người từng mắc bệnh, đồng thời giúp giảm triệu chứng và nguy cơ gây biến chứng nặng, hạn chế nhập viện điều trị. Điều này giúp giảm tải, áp lực cho các cơ sở y tế, tập trung nguồn lực cho các ca bệnh khác.
Ngoài ra, việc triển khai tiêm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết rộng rãi mang lại lợi ích kinh tế, giảm số ngày nghỉ bệnh và chi phí điều trị bệnh. Khi tỷ lệ lớn dân số được tiêm chủng sẽ hình thành hiệu ứng miễn dịch cộng đồng. Điều này không chỉ bảo vệ những người đã được tiêm vaccine mà còn giúp bảo vệ những người không tiêm chủng vì lý do sức khỏe.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Vắcxin Enteromix do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.
Tổng số lượt truy cập: