10/11/2023 14:19
Bác sĩ chuyên khoa I Danh Thị Thanh Hà - Trưởng Khoa Dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết: Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, sức khỏe, trí tuệ và thể chất của trẻ sẽ có cơ hội đạt điểm tối đa trong suốt quãng đời tương lai nếu được nuôi dưỡng đúng cách trong 1.000 ngày đầu đời.
Trẻ sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất, trí tuệ trong tương lai; giảm 20% nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ có chỉ số thông minh, khả năng học tập tốt hơn. Ngược lại, trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ.
Bác sĩ chuyên khoa I Danh Thị Thanh Hà (đứng) - Trưởng Khoa Dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang giám sát điều dưỡng Trạm Y tế xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho trẻ uống vitamin A.
1.000 ngày đầu đời của trẻ có 3 mốc quan trọng, tương ứng với 3 giai đoạn chăm sóc trẻ khác nhau: Chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ; thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý.
Trong giai đoạn mang thai, thai phụ nên ăn đa dạng để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho thai nhi. Người mẹ cần tăng cân trung bình từ 10-12kg để sinh con có cân nặng khoảng 3kg. Ngoài ra phụ nữ có thai nên uống bổ sung viên sắt, acid folic từ khi bắt đầu có thai đến 1 tháng sau sinh; đến các cơ sở y tế để được khám thai định kỳ, được tư vấn, bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết.
Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là giai đoạn vàng thứ hai, có vai trò quan trọng bậc nhất. Các chuyên gia khuyến cáo nên cho bé bú sữa mẹ sớm trong 1 giờ đầu sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến khi bé 2 tuổi.
Trong 6 tháng đầu, sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất đối với trẻ. Nhưng từ 6 tháng trở đi, số lượng sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ đang lớn. Do đó, từ tháng thứ 7 cùng với sữa mẹ cần cho trẻ ăn bổ sung hàng ngày phù hợp theo tháng tuổi và bảo đảm những nguyên tắc sau: Cho trẻ bú càng nhiều càng tốt; ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới.
Các thực phẩm cần bổ sung cho bà mẹ cho con bú như thịt các loại, trứng, tôm, cua, cá, rau, quả... Thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp khẩu vị cho trẻ nhưng đảm bảo 4 nhóm thức ăn: Nhóm tinh bột (gạo, ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, hải sản, trứng…), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ), nhóm chất béo (dầu, mỡ).
Khi chế biến thức ăn cho trẻ đảm bảo thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt; không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì chất ngọt làm tăng đường huyết, gây ức chế tiết dịch vị, làm cho trẻ chán ăn, bỏ bữa hoặc ăn ít.
Từ 6-24 tháng cho trẻ ăn bổ sung đúng cách cả về số lượng và chất lượng để phát triển và hoàn thiện não bộ, là nền tảng cho sự phát triển ngôn ngữ, giao tiếp và các kỹ năng xã hội. Ngoài ra trẻ từ 6-36 tháng tuổi cần được bổ sung vitamin A liều cao 2 lần/năm; thực hiện nuôi dưỡng tốt khi trẻ bị bệnh, chăm sóc vệ sinh, phòng, chống nhiễm giun...
Dinh dưỡng đúng và đủ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời không chỉ bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ mà còn giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng về thể chất và trí tuệ, nâng cao trình độ học vấn và thành tích học tập của trẻ; giảm sự chênh lệch giữa các vùng về sức khỏe, giáo dục; giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như thừa cân, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch ở giai đoạn sau của cuộc đời.
Bài và ảnh: TÚ QUÂN
(KGO) - Chiều 11-11, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phối hợp Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học các biến chứng tâm thần, thần kinh hậu COVID-19 và kết quả điều trị tại tỉnh. Hội thảo có trên 50 đại biểu là bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên sau đại học ngành thần kinh, tâm thần các bệnh viện khu vực phía Nam tham gia.
Tổng số lượt truy cập: