01/08/2022 14:21
Theo Sở Y tế Kiên Giang, hiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hàng ngày, trung bình cả nước ghi nhận trên 100 ca mắc COVID-19, nhiều nhất là trong khu công nghiệp và có nhiều ca ghi nhận tại cơ sở y tế. Tại Kiên Giang, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cao. Sở Y tế chỉ đạo tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn xác định nguy cơ lây bệnh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, xem nhẹ dịch bệnh và chuẩn bị kịch bản sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Vừa qua, Sở Y tế Kiên Giang thành lập 3 đoàn kiểm tra, đánh giá bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Nam - Trưởng Phòng Nghiệp vụ y dược Sở Y tế, hầu hết các cơ sở đều quan tâm triển khai thực hiện bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, một số phòng khám tư nhân lúng túng khi tổ chức đón tiếp, sàng lọc, phân luồng người bệnh hoặc bố trí phân luồng chưa hợp lý.
Đây là kẽ hở để dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào cơ sở y tế gây hậu quả khó lường. Do đó, Sở Y tế Kiên Giang có công văn gửi các phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh hướng dẫn tổ chức đón tiếp, sàng lọc, phân luồng người bệnh. Các phòng khám phải bố trí lối vào, lối ra theo hướng một chiều và bảo đảm phân luồng một chiều bên trong cơ sở y tế. Đối với cơ sở có duy nhất một cổng thì phải làm vách ngăn hoặc giăng dây để phân luồng ra, vào hợp lý; tổ chức bộ phận đón tiếp, khai báo y tế và sàng lọc yếu tố dịch tễ…
Bác sĩ Lý Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết: “Qua kiểm tra, thành viên trong đoàn đánh giá ưu điểm, hạn chế, chỉ ra nguyên nhân hạn chế. Đồng thời, đề xuất giải pháp khắc phục, giúp đơn vị kịp thời chấn chỉnh, có sự chuẩn bị tốt nhất đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.
Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cấp thẻ nuôi bệnh cho người nhà bệnh nhân và được nhân viên bảo vệ kiểm soát khi ra vào bệnh viện.
Dù mới di dời về cơ sở mới nhưng Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Minh Huệ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang chỉ đạo các khoa, phòng nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch theo thông điệp “5K” của Bộ Y tế; tiếp tục thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh, người nuôi bệnh, khách đến liên hệ công tác tại các cổng ra vào bệnh viện.
Mỗi khoa lâm sàng của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang bố trí một phòng bệnh để cách ly ca nghi nhiễm với trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân và các trang thiết bị, vật tư cần thiết phục vụ điều trị. Đặc biệt, tạm dừng thăm bệnh, hạn chế người nuôi bệnh (một người bệnh có từ 1 - 2 người nuôi) tùy tình hình người bệnh và đặc thù của từng khoa. Các khoa cận lâm sàng hướng dẫn và không để hai người bệnh đồng thời vào một buồng chụp X-quang, CT, MRI, siêu âm hoặc thăm dò chức năng…
Từ ngày 18-5-2021, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang tạm đóng hai cửa vào bệnh viện: Cửa viện phí từ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh qua, sau Khoa Cấp cứu tổng hợp và cửa trước Trung tâm Giám định y khoa để đảm bảo công tác quản lý, kiểm soát bệnh nhân. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Trước cửa vào bệnh viện, Khoa Khám bệnh bố trí bàn sàng lọc có tấm ngăn giữa nhân viên y tế và người đến khám bệnh, kết hợp giăng dây để phân luồng. Tại đây, người đến khám bệnh được khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay và đóng dấu xác nhận đã khai báo y tế. Mỗi người nuôi bệnh được cấp thẻ nuôi bệnh, ra vào cổng được nhân viên bảo vệ kiểm soát chặt chẽ”.
Ngoài ra, những hàng ghế ngồi chờ khám bệnh hoặc lấy thuốc của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang được giăng dây khuyến cáo không ngồi vào vị trí này để giữ khoảng cách; hàng giờ có nhân viên bảo vệ phát loa nhắc nhở bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến người bệnh tàn phế hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu người bệnh kiểm soát tốt đường huyết thì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm các biến chứng để duy trì sức khỏe ổn định như người bình thường.
Tổng số lượt truy cập: