06/12/2023 13:49
Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang có 60 giường bệnh, nhưng gần 2 tháng trở lại đây trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận điều trị 90 bệnh nhân, cao điểm nhất đến 110 bệnh nhân/ngày, tăng 20 bệnh nhân/ngày so thời điểm trước giao mùa.
Thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Chúc Linh - Trưởng Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đa Khoa Kiên Giang cho biết: “Thời tiết giao mùa là cao điểm của bệnh hô hấp. Người đang khỏe vẫn có thể mắc bệnh hô hấp cấp tính, thậm chí là viêm phổi cấp tính. Bệnh nhân mắc bệnh nền như viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi... có khả năng bùng phát đợt cấp tính, phải nhập viện điều trị”.
Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Phụng Diễm - Phó trưởng Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang khám bệnh cho bệnh nhân đang điều trị tại khoa.
Nhập viện điều trị tại Khoa Nội hô hấp hơn 1 tuần, sức khỏe ông Huỳnh Tấn Hồng, ngụ xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) tuy ổn định nhưng vẫn cần hỗ trợ thở ôxy. “Cha tôi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hơn 10 năm, uống thuốc định kỳ nhưng khi thời tiết chuyển lạnh là cha khó thở, ho nhiều nên nhập viện để bác sĩ theo dõi, điều trị”, chị Huỳnh Thị Hưởng - con ông Hồng nói.
Sức khỏe đang ổn định nhưng gần đây ông Nguyễn Văn Mầu, ngụ xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) bị sốt, ho, khó thở..., đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm phổi phải nhập viện điều trị. Ông Mầu chia sẻ: “Tôi điều trị tại Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang gần 1 tuần, không còn sốt, bớt ho và thở tốt hơn. Bác sĩ nói theo dõi thêm vài ngày sẽ cho tôi xuất viện. Bình thường tôi có bệnh cao huyết áp cần uống thuốc mỗi ngày, không có bệnh nền liên quan đến bệnh lý hô hấp nên không nghĩ mình bị viêm phổi. Tôi nhập viện sớm điều trị nên bệnh không trở nặng”.
Để giải quyết tình trạng quá tải, Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang sắp xếp, bố trí ê kíp trực, làm việc hết công suất; bố trí thêm giường cho bệnh nhân; điều chuyển nhân viên hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính. "Tuy nhiên, công tác điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân cần bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa nên lãnh đạo khoa động viên nhân viên nỗ lực, hỗ trợ nhau để điều trị cho bệnh nhân. Trung bình 1 bác sĩ của khoa khám cho 15 bệnh nhân/ngày, 1 điều dưỡng chăm sóc 12-14 bệnh nhân/ngày”, Thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Chúc Linh nói.
Cũng theo Thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Chúc Linh, để phòng bệnh liên quan đường hô hấp khi thời tiết thay đổi, người dân cần tiêm ngừa vaccine để tạo kháng thể như cúm mùa, viêm phổi, sởi-rubella... Khi đi ngoài trời, người dân nên đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, giữ ấm cơ thể, tập thể dục và đảm bảo chế độ dinh dưỡng...
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến người bệnh tàn phế hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu người bệnh kiểm soát tốt đường huyết thì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm các biến chứng để duy trì sức khỏe ổn định như người bình thường.
Tổng số lượt truy cập: