08/06/2023 13:38
Từ nhỏ, cậu học trò Nguyễn Văn Thảo mơ ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Sau nhiều năm nỗ lực học tập, nghiên cứu, đến năm 2007, bác sĩ Thảo tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và công tác tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Đi sâu vào nghiên cứu bệnh lý đột quỵ não, bác sĩ Thảo nhận thấy đây là bệnh lý gây tử vong đứng thứ 2 và tỷ lệ tàn tật đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 ca đột quỵ, trong đó có gần 50% bệnh nhân tử vong.
Với mong muốn điều trị kịp thời cho bệnh nhân, bác sĩ Thảo nỗ lực nghiên cứu, học tập tiến bộ y học, đặc biệt năm 2016, bác sĩ được Ban Giám đốc bệnh viện cử đi đào tạo tại Bệnh viện Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
Với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, để rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị đáng kể cho bệnh nhân, bác sĩ Thảo áp dụng thành công kỹ thuật mới và đạt nhiều thành công trong điều trị bệnh nhân đột quỵ não. Từ năm 2019 đến nay, bác sĩ Thảo phối hợp ê kíp điều trị trên 100 ca bệnh đột quỵ não, riêng tháng 5-2023 điều trị cho 10 trường hợp.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thảo khám bệnh cho bệnh nhân.
Đang học chuyên khoa II tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, nhưng vì trách nhiệm với bệnh nhân, bác sĩ Thảo thường xuyên di chuyển giữa TP. Cần Thơ và TP. Rạch Giá để phối hợp ê kíp Khoa Nội thần kinh thực hiện thủ thuật can thiệp điều trị đột quỵ não cho bệnh nhân. Bác sĩ Thảo là một trong những bác sĩ đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch máu não - tủy từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
Từ năm 2019 đến nay, bác sĩ Thảo điều trị thành công nhiều ca có bệnh lý như túi phình mạch máu não, dị dạng mạch máu não, chảy máu mũi khó cầm, hẹp động mạch cảnh và nhất là đột quỵ do nhồi máu não cấp được điều trị theo phương pháp tái thông bằng dụng cụ cơ học.
Bác sĩ Thảo chia sẻ: “Điều trị tái thông đột quỵ do nhồi máu não cấp bằng dụng cụ cơ học là phương pháp dùng ống thông có đường kính nhỏ đưa vào mạch máu tiếp cận cục máu đông và dùng áp lực âm hút máu đông hoặc dùng stent kéo máu đông ra. Ưu điểm của phương pháp điều trị này là xâm lấn tối thiểu chỉ vết rạch da nhỏ, bệnh nhân ít đau, thời gian nằm viện ngắn và nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Khi điều trị thành công mỗi ca bệnh, tôi và cả ê kíp rất vui mừng. Đó là động lực giúp chúng tôi không ngừng nỗ lực để tiếp tục cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nữa”.
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Công Thành - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Bác sĩ Nguyễn Văn Thảo chịu khó nghiên cứu, được cử đi bồi dưỡng ở các bệnh viện lớn trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, vận dụng vào trong điều trị bệnh nhân. Với đồng nghiệp, bác sĩ Thảo nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ bác sĩ trong ê kíp thực hiện thủ thuật can thiệp nội mạch, từ đó Khoa Nội thần kinh điều trị, cứu sống nhiều trường hợp đột quỵ do nhồi máu não, góp phần nâng cao chất lượng điều trị của bệnh viện”.
Bài và ảnh: HUỲNH ANH - KIM LANH
(KGO) - Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến người bệnh tàn phế hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu người bệnh kiểm soát tốt đường huyết thì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm các biến chứng để duy trì sức khỏe ổn định như người bình thường.
Tổng số lượt truy cập: