16/07/2021 16:16
ĐỔI THAY XÃ ANH HÙNG
Trong hai cuộc kháng chiến, cán bộ và nhân dân xã Nam Thái Sơn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Mảnh đất này từng là căn cứ cách mạng, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt đang từng bước chuyển mình, trở thành một trong những xã phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội. Đời sống nhân dân có bước nâng lên đáng kể, diện mạo nông thôn đổi mới. Đó chính là thành quả sau nhiều năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nam Thái Sơn nỗ lực phấn đấu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo huyện, ưu tiên dành các nguồn vốn cho xã để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã nhận được sự ủng hộ từ nhân dân trên địa bàn. Nhân dân đồng thuận và tham gia với chính quyền xây dựng nông thôn mới. Người dân hiến đất, góp tiền, góp sức xây dựng mới nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, cầu bắc qua kênh thủy lợi… Đến cuối năm 2020, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới của xã đạt trên 20,3 tỷ đồng; trong đó 3,5 tỷ đồng là đóng góp của người dân trên địa bàn xã.
Đến nay, xã Nam Thái Sơn có hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Toàn bộ tuyến đường trục chính từ xã đến trung tâm huyện được mở rộng, trải nhựa mới. Hệ thống kênh thủy lợi hàng năm thường xuyên được nạo vét, mở rộng các công trình thủy lợi nội đồng, hệ thống đê bao bảo vệ sản xuất được xây dựng hoàn chỉnh, đảm bảo 100% diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động và không bị lũ đe dọa. Hệ thống điện lưới quốc gia được kéo tới các vùng lõm để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và thắp sáng đường quê, toàn xã có 98,79% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia.
ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Từ một xã nghèo, khó khăn trong chiến tranh, xã Nam Thái Sơn quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho nhân dân. Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, xã tập trung tái cơ cấu nông nghiệp với trọng tâm đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế là cây lúa. Theo đồng chí Đoàn Ngọc Thành - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Thái Sơn, xã có 11.825ha đất sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân xã khuyến khích người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong sản xuất lúa gạo để đảm bảo đầu ra ổn định, góp phần tăng thu nhập và lợi nhuận cho người dân.
Đường giao thông nông thôn xã Nam Thái Sơn được trải nhựa ô tô đi lại thuận tiện
Trên địa bàn xã có 5 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã đang hoạt động. Phần lớn tổ hợp tác, hợp tác xã phát huy được hiệu quả hoạt động, người dân tham gia mô hình đều được hưởng lợi như tiết kiệm chi phí đầu vào từ dịch vụ bơm tưới tập thể, có lợi nhuận cao, đầu ra ổn định từ việc bao tiêu sản phẩm giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, từ các nguồn vốn các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh, Ủy ban nhân dân xã đã lồng ghép, tạo điều kiện để các hộ nghèo, khó khăn được tiếp cận vốn, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả để góp phần giảm nghèo cho người dân. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 57,45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,73%.
Ông Lê Tấn Đức - Giám đốc Hợp tác xã Vinacam Hòn Đất cho biết: “Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, hợp tác xã được tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT, qua đó, hợp tác xã được đầu tư cơ sở hạ tầng, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, giúp nâng cao thu nhập. Đặc biệt, những năm qua, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, bà con trong hợp tác xã rất an tâm sản xuất, thu nhập ngày càng ổn định hơn”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 14-8, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan truyền thông ký kết hợp đồng tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: