07/10/2020 14:19
Đây là một trong 5 công trình của Hội Nông dân tỉnh đầu tư kinh phí thực hiện nhằm hỗ trợ xã Hòa Chánh sớm về đích nông thôn mới.
TIẾP VỐN CHO NÔNG DÂN
Trưa ngày 1-10, tại trụ sở xã Hòa Chánh, 21 hộ dân có mặt đông đủ để chờ Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân 500 triệu đồng để thực hiện dự án “Nuôi tôm càng xanh xen trên ruộng lúa”. Ông Phạm Văn Tựu (58 tuổi), hộ tham gia dự án đã có 3 năm “bén duyên” cùng con tôm càng xanh. Ông Tựu có 13 công ruộng, trồng lúa nhưng thu nhập bấp bênh vì đất bị nhiễm mặn, có năm thất trắng.
“Thấy bà con nuôi tôm càng xanh hiệu quả, tôi học hỏi rồi áp dụng. 3 năm nuôi tôm, năm nào cũng trúng mùa. Tôi còn thả xen tôm thẻ chân trắng trong ruộng, bình quân mỗi năm tổng thu nhập 180 triệu đồng. Nay được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vốn 30 triệu đồng, tôi và bà con phấn khởi vì có thêm chi phí mua thức ăn cho tôm và sửa lại vuông nuôi”, ông Tựu nói.
Đồng chí Thái Văn Phúc (thứ hai, từ trái qua) - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang thăm mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng của gia đình bà Trần Thị Tuyết, ngụ ấp Vĩnh Hiệp.
20 năm trước, ấp Vĩnh Hiệp là vùng đất phèn, nhiễm mặn, dù sản xuất lúa hai vụ nhưng thu nhập người dân vẫn bấp bênh. Từ khi chuyển đổi sang 1 vụ tôm - 1 vụ lúa, đời sống người dân khá hơn, nhiều hộ ăn nên làm ra, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Đồng chí Nguyễn Văn Thống - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Vĩnh Hiệp cho biết: “Được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ vốn sản xuất, bà con phấn khởi vì chi phí thức ăn nuôi tôm khá cao, nếu mua chịu, giá sẽ cao hơn mua tiền mặt. Có đồng vốn này sẽ giúp bà con tăng lợi nhuận”.
Ấp Vĩnh Hiệp có hơn 700 hộ dân, trong đó có đến 500 hộ nuôi tôm càng xanh trên ruộng. Nhiều hộ chuyển đổi từ đất trồng mía, khóm kém hiệu quả sang nuôi tôm, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Bùi Văn Lựa (55 tuổi), ngụ ấp Vĩnh Hiệp cho biết: “1,5ha vuông tôm này trước đây từng trồng mía nhưng thất bại vì giá thấp, tôi bỏ hoang chục năm mới múc thành vuông nuôi tôm càng xanh. Tôm càng dễ nuôi, ít chi phí, lại phù hợp nhổ nhưỡng nên chỉ sau 6 tháng nuôi, tôi “bỏ túi” hơn 100 triệu đồng. Nay có nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, tôi sẽ múc vuông 0,5ha còn lại để mở rộng diện tích”.
CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Sau khi nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh được trao tận tay người dân ấp Vĩnh Hiệp, đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh do đồng chí Thái Văn Phúc - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang làm trưởng đoàn đã đến thăm mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa của bà Trần Thị Tuyết, ngụ ấp Vĩnh Hiệp. Vuông tôm này bà Tuyết nuôi 3 năm nay, mỗi năm lợi nhuận 80 triệu đồng. Những con tôm càng xanh mập mạp, khỏe mạnh vừa được bắt lên phần nào cho thấy người dân nơi đây đã chọn hướng đi đúng trong chuyển đổi sản xuất.
Hòa Chánh là xã nông nghiệp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn với 9,4% hộ nghèo và 6,4% hộ cận nghèo. Đảng ủy xã Hòa Chánh xác định một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020 là ưu tiên phát triển vùng nuôi tôm - lúa nhằm thích ứng với tình trạng mặn xâm nhập.
“Hội Nông dân tỉnh sẽ có lớp tập huấn sau khi giải ngân vốn nhằm giúp bà con sản xuất hiệu quả hơn, từng bước hình thành vùng nguyên liệu lớn tiến tới liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”, đồng chí Thái Văn Phúc cho biết.
Theo lộ trình, xã Hòa Chánh phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020. Để trợ lực cho xã, ngoài hỗ trợ vốn cho dự án “Nuôi tôm càng xanh xen trên ruộng lúa” tại ấp Vĩnh Hiệp, Hội Nông dân tỉnh còn hỗ trợ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh 73 triệu đồng cho xã Hòa Chánh thực hiện mô hình nhân giống lúa chất lượng cao 20ha tại ấp Vĩnh Chung; hỗ trợ 200 triệu đồng dự án “Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa”, mở 1 lớp đào tạo nghề trồng hoa kiểng tại ấp Dân Quân.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
Từ khóa: Tết quân - dân, nông thôn mới
(KGO) - Sáng 14-8, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan truyền thông ký kết hợp đồng tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: