14/03/2024 10:03
Đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Kiên Lương được nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế.
ĐỔI MỚI DIỆN MẠO NÔNG THÔN
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương Lê Thanh Hưởng cho biết, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm cùng cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân, qua hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Kiên Lương đã huy động từ các nguồn lực được gần 4.575 tỷ đồng triển khai xây dựng nông thôn mới.
Từ nguồn lực này, huyện tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Đến tháng 12-2021 toàn huyện có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Kiên Lương thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự mang lại hiệu quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, diện mạo huyện Kiên Lương có nhiều đổi thay rõ rệt, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng; sản xuất phát triển, thu nhập của người dân được nâng cao; các di tích và truyền thống văn hóa tốt đẹp được gìn giữ và phát triển; chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh, trật tự được đảm bảo; người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần. Kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện đã tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Người dân xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) phát triển kinh tế nâng cao thu nhập nhờ mô hình nuôi tôm công nghiệp.
Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Kiên Lương được xây dựng liên hoàn, thông suốt từ huyện đến trung tâm các xã, ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa chắc chắn đảm bảo cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương, mua bán... Tuyến đường huyện đến các xã được nhựa hóa với chiều dài 69,6km, đạt 100%; 90% các tuyến đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ giữa hệ thống thủy lợi liên xã và hệ thống thủy lợi của từng xã
Đến nay, trên địa bàn huyện có 12.990 hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện đạt 99,22%. Cơ sở vật chất phục vụ phát triển giáo dục, y tế, văn hóa được huyện quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới đáp ứng nhu cầu của người dân.
ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN NÂNG LÊN
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương Nguyễn Hữu Thành cho biết là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, kinh tế biển, Kiên Lương đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch theo hướng hiện đại, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Huyện ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm du lịch, văn hóa, quan tâm thúc đẩy kinh tế tập thể gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm,.... giúp mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần vào việc giảm nghèo.
Phật tử cùng chư tăng quét dọn vệ sinh tại chùa Bãi Ớt, xã Dương Hòa (Kiên Lương).
Bà Lâm Ngọc Tuyết, ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, chia sẻ: “Kiên Lương được xem là thủ phủ tôm công nghiệp của tỉnh. Những năm qua, huyện tích cực tạo điều kiện giúp doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển nghề nuôi tôm công nghiệp như hệ thống thủy lợi, cống đập, điện ba pha, trạm bơm, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, giúp bà con an tâm sản xuất. Với sự hỗ trợ từ phía huyện, trang trại tôm nuôi của gia đình tôi vẫn duy trì sản xuất ổn định trong điều kiện giá tôm bấp bênh, thu nhập kinh tế ổn định”.
Cùng với phát triển nông nghiệp, Kiên Lương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng phát triển. Thực tế, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành chủ lực tạo ra giá trị sản xuất, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện Kiên Lương đạt 78,66 triệu đồng, trong đó thu nhập của người dân khu vực nông thôn 65,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều nông thôn giảm còn 506 hộ, chiếm 3,91%.
Bài và ảnh: GIA BẢO
(KGO) - Sáng 14-8, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan truyền thông ký kết hợp đồng tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: