16/10/2023 10:24
Thời gian qua, Kiên Bình đặc biệt chú trọng, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn xã. Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã tranh thủ nguồn vốn cấp trên xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp ổn định.
Trên địa bàn xã có 33 kênh thủy lợi các loại, với tổng chiều dài 169,7km. Hàng năm, xã đều rà soát và nạo vét đảm bảo việc lưu thông, bơm tưới trong nông nghiệp và đáp ứng yêu cầu dân sinh.
Xã thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; mở rộng liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp đưa nguồn giống tốt, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Nhờ thực hiện có hiệu quả giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, sau hơn 10 năm (2012-2022) triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, nhân dân trên địa bàn xã Kiên Bình có thu nhập đạt 57,1 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,18%.
Hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Hệ thống chính trị tiếp tục được chuẩn hóa đạt yêu cầu, chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã ngày càng được nâng lên, dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn được bảo đảm. Năm 2022, Kiên Bình hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Lê Hoàng Nam, ngụ ấp Kênh 9, xã Kiên Bình cho biết từ khi xã triển khai xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân ngày càng phát triển hơn. Hệ thống kênh mương thủy lợi được Nhà nước đầu tư, tạo điều kiện cho người dân lấy nước phục vụ sản xuất dễ dàng, nhờ vậy năng suất lúa mỗi năm đều tăng, người dân có kinh tế khấm khá hơn trước.
"Cầu, đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng, người dân mua bán, đi lại thuận tiện, tiết kiệm thời gian", ông Lê Hoàng Nam phấn khởi.
Nông dân xã Kiên Bình (Kiên Lương) thu hoạch lúa hè thu 2023 bằng máy gặt đập liên hợp.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kiên Bình Hồ Thành Trương, Kiên Bình xác định xây dựng nông thôn mới phải đúng thực chất, nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần của người dân, không chạy theo thành tích.
Sau khi thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới, Kiên Bình phải đề ra các giải pháp cụ thể để củng cố và giữ vững các tiêu chí, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Hàng năm, xã tiến hành rà soát, đánh giá lại từng tiêu chí, qua đó xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết, lựa chọn hướng đi, cách làm phù hợp điều kiện cụ thể để từng bước triển khai thực hiện.
Xã Kiên Bình đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp có tâm huyết với địa bàn nhằm tạo thêm nguồn vốn kết hợp với vốn ngân sách để tập trung vào các công trình phúc lợi công cộng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Xã đa dạng hóa về hình thức, nội dung tuyên truyền, kết quả đạt được, những kinh nghiệm tốt, cách làm hay ở các địa phương, đơn vị để nhân rộng thực hiện.
Tăng cường hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành, tổ chức triển khai thực hiện của chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của các ngành, đơn vị, Mặt trận và đoàn thể trong việc nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 14-8, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan truyền thông ký kết hợp đồng tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: