20/07/2023 14:16
Cuối năm 2016, UBND huyện Tân Hiệp tổ chức lễ công bố Quyết định số 1925/QĐ-TTg, ngày 6-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Theo UBND huyện Tân Hiệp, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất và cuộc sống của người dân. Hiện huyện đạt 5/9 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, gồm quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng, chống thiên tai, điện, an ninh, trật tự - hành chính công.
Đường giao thông nông thôn xanh, sạch, đẹp tại xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).
Đồng chí Lê Trường Kế - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp cho biết huyện đang gặp một số khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao như nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn ít, việc huy động người dân đóng góp còn khó khăn, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Một số tiêu chí khó thực hiện, chưa phù hợp đặc thù của địa phương như thu nhập, môi trường, y tế… Huyện đang tập trung dồn sức thực hiện các tiêu chí chưa đạt nhất là đối với vấn đề nước sạch tập trung cần có đầu tư lớn từ ngân sách hoặc kêu gọi các doanh nghiệp.
Về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Nơi xử lý rác tập trung và phương tiện thu gom rác thải chưa đủ quy mô để phục vụ cho toàn huyện. Các khu vực ở nông thôn trên địa bàn huyện vẫn chưa tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, huyện tập trung vận động nhân dân tự đào hố rác gia đình để đốt hoặc chôn lấp.
Ông Đỗ Văn Luông - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 5A, ấp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp cho biết: “Người dân trong ấp rất có ý thức về việc phân loại rác tại gia đình, rác hữu cơ để tự phân hủy, rác vô cơ không tái chế được thì đốt. Các gia đình phát quang bụi rậm, trồng cây xanh, trồng rau quanh nhà tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp”.
Nông dân trong Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 5A, ấp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp thăm ruộng lúa hè thu năm 2023.
Đối với sản xuất lúa, các cấp, ngành đã vận động nhân dân thu gom rơm rạ để làm thức ăn cho trâu bò, trồng nấm rơm và bán cho các địa điểm thu mua. Từ cách làm đó đã hạn chế tình trạng đốt đồng, gây ô nhiễm không khí. Các cơ sở, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện được chính quyền, ngành chức năng vận động xử lý nước thải bằng hầm biogas chuyển đổi thành nguyên liệu đốt, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đồng chí Lê Trường Kế cho biết: “Từ nay đến cuối năm 2023, huyện Tân Hiệp đề ra nhiệm vụ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đối với 3 xã Tân Hiệp A, Tân An và Tân Hiệp B”.
Đường giao thông nông thôn xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thông thoáng, có lắp đèn đường thắp sáng về đêm.
Đồng chí Đinh Xuân Phương - Bí thư Huyện ủy Tân Hiệp cho biết để về đích huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, hệ thống chính trị huyện tạo điều kiện phát huy vai trò chủ thể của người dân trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ trong xây dựng nông thôn mới.
Các xã rà soát việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, tiếp tục tập trung dồn sức thực hiện các tiêu chí chưa đạt, đạt thấp; hỗ trợ, hướng dẫn người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra nông sản. Đồng thời, chăm lo các nhu cầu thiết yếu của người dân như điện, nước sạch… từ đó đời sống nhân dân được nâng lên, diện mạo nông thôn khởi sắc.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Sáng 14-8, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan truyền thông ký kết hợp đồng tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: